3000 đại biểu tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ

-Thứ hai, ngày 15/10/2012 09:44 GMT+7

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: VOV)

Trong 2 ngày 13 và 14/10, thủ đô Kinshasa đã trở thành trung tâm của đại gia đình Pháp ngữ với sự hiện diện của 3.000 đại biểu.

Hôm qua (13/10), tại Cung Nhân Dân thủ đô Kinshasa của CHDC Congo đã diễn ra Lễ khai mạc chính thức Hội nghị Cấp cao lần thứ 14 Tổ chức các nước có sử dụng tiếng Pháp Francophonie.

Đây là dịp để các quốc gia thành viên đề cao vai trò của Pháp ngữ, các giá trị Pháp ngữ cũng như ủng hộ vai trò của châu Phi trong Pháp ngữ và quản trị toàn cầu. Tham dự lễ khai mạc có 15 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ cùng các đại biểu cấp cao đến từ 56 nước thành viên chính thức, 19 nước thành viên liên kết quan sát viên và cả những khách mời danh dự thuộc các tổ chức quốc tế lớn và thể chế tài chính quan trọng như Liên hiệp quốc, Liên Minh châu Phi. Phó Chủ tịch nước ta Nguyễn Thị Doan dẫn đầu Đoàn đại biểu Cấp cao đại diện cho Việt Nam tham dự Hội nghị.

Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ là một sự kiện lớn đối với Congo, một trong những thành viên Pháp ngữ lớn nhất với hơn 75 triệu dân có sử dụng tiếng Pháp, rất giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng cũng có nhiều năm trải qua xung đột bạo lực.

Việc Hội nghị Cấp cao 14 được tổ chức tại 1 quốc gia mà ngay lúc này ở phần biên giới phía Đông vẫn còn chiến sự đã thể hiện 2 điều. Thứ nhất Pháp ngữ khẳng định tình đoàn kết mong muốn thúc đẩy hòa bình, hỗ trợ các nước thành viên có xung đột. Thực tế là 22% các cuộc xung đột của thế giới nằm ở các nước Pháp ngữ. Thứ 2, nước Pháp và Pháp ngữ đang muốn trở lại châu Phi viết nên một trang mới, sau nhiều năm bỏ ngỏ khu vực này cho các đối thủ kinh tế như Mỹ, Ấn Độ và nhất là Trung Quốc.

Tổng thống Pháp Francois Hollande: “Tôi đến đây - tại Kinshasa này nhằm thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Congo. Tôi cũng muốn một lần nữa khẳng định sự tin tưởng mạnh mẽ vào tương lai của châu Phi. Tôi có mặt ở Kinshasa cũng để vinh danh một cuộc gặp gỡ mang tên Cộng đồng Pháp ngữ”.

Tuy nhiên Tổng thống Hollande cũng nhấn mạnh rằng, Pháp ngữ có những giá trị riêng, có những nguyên tắc và đòi hỏi của mình. Tình hình các nước Pháp ngữ ở châu Phi với các vấn đề về dân chủ và nhân quyền đã được các nước đưa vào nghị quyết để thông qua.

Đó là nghị quyết về tình hình ở CHDC Congo, ở Mali, Nghị quyết kêu gọi chống cướp biển ở vùng vịnh Guinea, về các giải pháp thoát ra khỏi khủng hoảng, củng cố nền hòa bình, nhất là ở châu Phi và nghị quyết về quản trị tốt các tài nguyên thiên nhiên hướng đến phát triển bền vững.

Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ 14 với tinh thần chủ động hội nhập, nâng cao vị thế đất nước tại các diễn đàn quốc tế và mong muốn đóng góp vì sự phát triển của Pháp ngữ, một tổ chức quốc tế mà Việt Nam gia nhập từ khi thành lập năm 1970 và đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khối Pháp ngữ trong những năm còn bị bao vây cấm vận.

Tham dự Hội nghị năm nay, Việt Nam tiếp tục đưa ra sáng kiến hợp tác 3 bên, trên cơ sở sự thành công của các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp từng giúp cho rất nhiều nước Pháp ngữ ở châu Phi giải quyết vấn đề an ninh lương thực.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao - Đại diện Nhà nước tại Tổ chức quốc tế Pháp ngữ cho biết: “Việt Nam đã đưa ra sáng kiến hợp tác 3 bên giữa Việt Nam với 1 nước châu Phi và 1 nước phát triển trong Pháp ngữ. Đây đã trở thành chủ đề được Cộng đồng Pháp ngữ rất quan tâm và quyết định thành lập nhóm nghiên cứu để phát triển chiến lược này và đưa vào thực hiện trong tương lai”.

Với 75 thành viên và còn thêm các nước đang mong muốn gia nhập tại Hội nghị Cấp cao 14 này, khối Pháp ngữ là một trong những tổ chức quốc tế lớn lâu đời chỉ đứng sau Liên hiệp quốc. Nhưng việc Pháp ngữ đông hơn không có nghĩa là sẽ mạnh hơn nếu thiếu đi những sự hợp tác thực chất và hiệu quả.

Khối Pháp ngữ được ra đời từ lịch sử nhưng đang ngày càng được mở rộng thêm bởi sức sống của mình. Nhưng, sức sống đó, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, thì cần được hiểu và được nuôi dưỡng bằng khả năng đem lại hòa bình và thịnh vượng ít nhất là cho các thành viên của Pháp ngữ và cao hơn là cùng nhau đạt được mục tiêu thiên niên kỷ đã được Liên hiệp quốc đề ra. Lãnh đạo 75 nước đang có mặt tại Kinshasa lúc này chính là để cố gắng đem lại sức sống đó cho Pháp ngữ.

Sau 1 ngày họp kín, hôm nay (14/10), hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 14 đã bế mạc tại thủ đô Kinshasa với việc ra một tuyên bố Kinshasa. Tuyên bố Kinshasa khẳng định sự cam kết của Pháp ngữ tích cực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững dựa trên nền kinh tế Xanh mà hội nghị Rio+20 đã đề ra.

Và tiếng Pháp cần được coi là nền tảng của cộng đồng Pháp ngữ và nhất trí tăng cường phát triển ngôn ngữ này nhất là trong giới trẻ. Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ 14 đã quyết định kết nạp 2 thành viên là Qatar làm thành viên liên kết và Uruguay là quan sát viên. 77 nước thành viên đầy đủ và liên kết của Pháp ngữ nhất trí sẽ gặp lại nhau vào tháng 10 năm 2014 tại Senegal trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao 15.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước