4 năm tới, thừa 13.000 sinh viên tài chính - ngân hàng?

Phạm Hà-Thứ hai, ngày 21/01/2013 09:31 GMT+7

Nhu cầu tuyển dụng từ các ngân hàng giảm nên các sinh viên học các ngành ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán mới ra trường khó có cơ hội tìm việc. Ảnh: Dân trí

Theo con số do Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính vừa công bố, trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính - ngân hàng không xin được việc sẽ là khoảng 13.000 người.

Từ năm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ dừng cấp phép mở mới các trường đào tạo chuyên về ngành tài chính - ngân hàng, kế toán kiểm toán, quản trị kinh doanh. Những trường nào muốn mở thêm ngành này cũng sẽ không được cấp phép. Quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo dựa trên những căn cứ nào và có ảnh hưởng gì tới việc học của sinh viên?.

Cả nước hiện có gần 1.856 cơ sở đào tạo ngành kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, số sinh viên đang theo học những ngành này chiếm tới hơn 1/3 tổng số sinh viên trên cả nước. Theo một nghiên cứu, năm nay khoảng 32.000 sinh viên chuyên ngành tài chính, ngân hàng ra trường, nhưng sẽ có khoảng 1/3 số này thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: “Chủ trương của Bộ GD-ĐT là từ năm 2013 dừng mở những ngành này tại khu vực Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Còn những vùng khó khăn, chưa có cơ sở đào tạo về ngành này như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nếu có nhu cầu mở thì Bộ sẽ xem xét”.

Việc dừng mở mới các trường đào tạo về ngành tài chính, ngân hàng sẽ không ảnh hưởng gì tới việc đào tạo, tuyển sinh của các trường, cũng như việc học của các sinh viên. Trên thực tế, số sinh viên đăng ký vào các ngành tài chính ngân hàng cũng không còn sốt như thời gian trước. Tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, chỉ so với năm ngoái, lượng sinh viên theo học ngành này năm nay đã giảm từ 20-30%.

Theo PGS.TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: “Trước đây chúng ta cho mở nhiều trường CĐ-ĐH quá, bây giờ muốn phanh lại, nhưng các trường đã ra rồi, bây giờ phải kiểm tra lại cơ sở vật chất, đôi ngũ giáo viên xem các trường đủ điều kiện đào tạo không và chúng ta xem các mã ngành về kinh tế đó nên giải quyết thế nào về chỉ tiêu tuyển sinh. Tôi cho rằng, biện pháp phanh lại là đúng trong điều kiện hiện nay”.

Tuy vậy, một số trường cho rằng, việc họ không được mở mới các ngành tài chính ngân hàng sẽ làm hạn chế cơ hội và liệu Bộ Giáo dục có đang làm thay chức năng tự điều tiết của thị trường?

“Về góc độ quản lý, chúng tôi cũng phải có những điều tiết vĩ mô. Trong những giai đoạn lịch sử cụ thể phải có giải pháp cụ thể để đảm bảo cân đối chung của toàn nền kinh tế, không thể để diễn ra sự lãng phí chung của toàn nền kinh tế và của xã hội. Việc cảnh báo ngày hôm nay không những giúp ích cho các em thí sinh, mà còn giúp nhà trường tránh được những lãng phí. Khi nền kinh tế phục hồi, chúng ta có thể tính toán trở lại việc này” - PGS.TS Bùi Anh Tuấn khẳng định.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước