5 năm được hỗ trợ: Vẫn chưa thoát nghèo...

Nguyễn Ngân -Thứ ba, ngày 15/01/2013 12:26 GMT+7

Ảnh: VTV

5 năm qua, người dân bản Chim Thượng, xã Chim Vàn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chưa hiểu được vì sao cứ nhận lứa gà hỗ trợ nào, lứa đó chết, gieo giống ngô nào năng suất cũng chỉ đạt thấp...

Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2015, nhất là đối với 62 huyện nghèo nhất cả nước đã được phê duyệt với tổng kinh phí 27.509 tỷ đồng, trong đó nhấn mạnh đến tính thực chất và hiệu quả của những chương trình, mô hình xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên có một thực tế, trong những năm qua khi triển khai về địa phương, rất nhiều vấn đề liên quan đến tính thiết thực của những đồng vốn thoát nghèo đã phát sinh. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc xây dựng chính sách, chương trình hỗ trợ chưa bắt nguồn từ nhu cầu cũng như huy động sự tham gia của người dân. Những con số giảm nghèo, mục tiêu giảm nghèo vì vậy cũng chưa thực sự bền vững. Câu chuyện thực tế tại huyện Bắc Yên - một trong 5 huyện thuộc chương trình 30A về xóa đói giảm nghèo của tỉnh Sơn La là một ví dụ.

Người dân bản Chim Thượng, xã Chim Vàn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chưa hiểu được vì sao 5 năm qua, nhận lứa gà hỗ trợ nào lứa đó cũng chết, gieo giống ngô nào năng suất cũng chỉ đạt thấp. Nhà bà Lò Thị Luyền có 7 nhân khẩu, được nhận 14 con gà thoát nghèo, thế nhưng: “Người nghèo không có gà, Nhà nước cho nuôi cũng phấn khởi lắm… Giờ gà chết rồi, cũng buồn lắm vì không có gì nuôi…”.

6 hộ gia đình nghèo nhất bản được hỗ trợ bò, giá trung bình 8,4 triệu đồng. Theo thông báo ban đầu: Đây là giống bò cái sinh sản, nặng 120-150kg, chỉ cần nuôi dăm tháng sẽ có thêm cả đàn bê. Nhưng trên thực tế, bò sinh sản lại rất nhỏ, có con chết khi vừa chuyển đến xã.

Ông Lò Văn Em, Trưởng bản Chim Thượng, xã Chim Vàn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cho biết: “Bò sinh sản qua tập huấn là 120kg trở lên, nhưng tính ra chỉ 40-50kg, lột ra được 15kg cả thịt và da. Nhân dân muốn biết xem là 8 triệu hay 10 triệu, họ mới tính được xem số tiền hỗ trợ của mình đã hết chưa. Bà con bảo: Thoát nghèo thế này không nhanh đâu, không bền vững đâu”.

Bản Chim Thượng còn 81% hộ nghèo, đạt tỉ lệ thoát nghèo cao nhất năm qua của huyện Bắc Yên (8,8%), nhưng cũng là địa phương có tỉ lệ tái nghèo thường xuyên ở mức cao nhất. Nằm xa trung tâm, giao thông chưa thuận tiện, rất nhiều chương trình hỗ trợ được đưa về địa phương nhưng chưa phù hợp hoặc không áp dụng được, hoặc người dân không triển khai nổi.

Ông Lò Văn Sương, bản Chim Thượng, xã Chim Vàn, huyện Bắc Yên nói: “Nhà nước cũng quan tâm hết các khoản, mang về đến nhà chẳng hiểu vì sao gà chết, ngô cũng không đảm bảo chất lượng. Có cái không lên bắp, không lên hạt, không được năng suất”.

Lý giải cho tình trạng này, địa phương cho rằng, do đã thiếu sự tính toán cụ thể cho từng địa bàn, nên đã áp dụng một mô hình chung cho những đối tượng không giống nhau.

Theo ông Đặng Hùng, Bí thư Huyện uỷ Bắc Yên, tỉnh Sơn La: “Khi xây dựng đề án, phải xây dựng từ ý kiến của người nông dân, nhưng địa phương không thể cung cấp được giống con và giống cây, như vậy nên giống cây, con đó không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tự nhiên địa phương, dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Hiện nay mỗi xã, huyện có 1 Ban chỉ đạo, điều hành chỉ đạo là UBND huyện. Những cán bộ phụ trách phải nâng cao trách nhiệm, thường xuyên gắn với yêu cầu của dân. Bởi vì còn nhiều thay đổi trong thực tế của bà con nhân dân”.

5 năm, sau các chương trình giảm nghèo được triển khai, cuộc sống người dân ở bản Chim Thượng vẫn chưa có nhiều đổi thay. 5 cây cầu treo của chương trình giảm nghèo đang xây dựng dở trong hơn 2 năm qua, người dân vẫn phải lưu thông bằng cầu tạm... Hỗ trợ người nghèo là chủ trương đúng đắn và tốt đẹp, nhưng có kinh phí để hỗ trợ đã khó, mà hỗ trợ như thế nào để không lãng phí, thất thoát nguồn vốn đó càng khó hơn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước