Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa tầm xa

Minh Nguyệt - Đức Cường-Thứ năm, ngày 19/04/2012 22:00 GMT+7

Sáng 19/4, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Sau vụ thử này, Ấn Độ đã tiến thêm 1 bước đến cánh cửa gia nhập câu lạc bộ các nước sở hữu tên lửa.

Tên lửa Agni V dài 17m, tầm bắn hơn 5.000 km, nặng 50 tấn đã được phóng vào lúc 8h05 từ bãi phóng thử ngoài khơi bang miền Đông Orissa. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho biết, vụ thử đã thành công.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ngay lập tức chúc mừng các nhà khoa học của Bộ Quốc phòng: "Vụ phóng thành công tên lửa Agni-V là thành quả to lớn của các nhà khoa học và công nghệ Ấn Độ. Tôi xin chúc mừng các nhà khoa học và công nghệ có đóng góp trong dự án quan trọng này. Hy vọng trong những năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong cố gắng tăng cường khả năng quốc phòng”.
Tên lửa Agni V do Ấn Độ tự nghiên cứu và chế tạo là thế hệ mới nhất trong gia đình tên lửa Agni. Chương trình phát triển tên lửa Agni đã được triển khai từ những năm 1960, thế hệ đầu tiên có tầm bắn mới chỉ chạm đến các địa điểm gần như nước láng giềng Pakistan. Còn tên lửa Agni 5 này có thể vươn tới các mục tiêu xa hơn, với nhiều địa điểm ở châu Á và Đông âu. Tên lửa Agni V còn có thể mang đầu đạn hạt nhân, tuy nhiên, Ấn Độ sẽ còn phải tiến hành 4 đến 5 vụ thử nghiệm nữa trước khi tên lửa Agni 5 chính thức được bổ sung vào kho vũ khí của nước này vào năm 2014 hay 2015.
Hiện nay, trên thế giới mới chỉ có 5 nước cũng là 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ sở hữu tên lửa xuyên lục địa, đó là Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Anh. Israel được cho là cũng nắm giữ loại vũ khí quan trọng này.
Ấn Độ là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và nước này đang muốn đóng 1 vai trò quan trọng hơn trong đời sống chính trị thế giới, với mục tiêu là có 1 ghế thường trực trong HĐBA LHQ.
Phản ứng của quốc tế
Vụ thử tên lửa của Ấn Độ ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Mặc dù không vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước phương Tây như đối với vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên cách đây ít ngày, nhưng các nước như Pakistan, Trung Quốc và Nhật Bản đã cho biết ý kiến của mình sau vụ phóng tên lửa này.
Người dân tại quốc gia láng giềng Pakistan cho rằng, tên lửa Agni V sẽ đem lại sức mạnh mới cho quân đội Ấn Độ, đồng thời lo ngại về an ninh khu vực. “Vụ thử tên lửa tầm xa 5000 km của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng tới các nước lớn như Malaysia, Pakistan và Trung Quốc. Ấn Độ nên nói và làm vì hòa bình”.
Nhà báo Pakistan Qaisar Mahmood nhận định: “Vụ thử này có thể sẽ dẫn đến các biện pháp đáp trả tương xứng. Pakistan từ lâu cũng đã cố gắng phát triển tên lửa tầm xa và công nghệ tên lửa của Pakistan có thể còn tiến xa hơn nữa để bắt kịp với sức mạnh của Ấn Độ. Việc những quốc gia như Ấn Độ và Pakistan, cùng với những cường quốc quân sự khác, tự kiềm chế không dấn quá sâu vào những phiêu lưu quân sự như thế này là điều hết sức quan trọng giúp cho thế giới an toàn hơn”.
Từ Bắc Kinh, phản ứng sau vụ phóng thành công tên lửa Agni 5 của Ấn Độ, ông Lưu Vi Dân, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc và Ấn Độ đều là các nước lớn đang triển, chúng tôi là đối tác chứ không phải là đối thủ của nhau. Chúng tôi tin tưởng rằng, 2 bên sẽ có sự hợp tác và những đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định của khu vực”.
Nhật Bản cho biết, sẽ phân tích kỹ càng những ảnh hưởng từ vụ thử tên lửa này đối với an ninh khu vực.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura nói: "Cộng đồng quốc tế không chính thức cấm Ấn Độ phát triển tên lửa đạn đạo. Nhật Bản sẽ phân tích ảnh hưởng của vụ phóng tên lửa này đến an ninh và ổn định trong khu vực trước khi xem xét đến việc chúng tôi sẽ phản ứng như thế nào”.
Theo một số chuyên gia, vụ phóng tên lửa Agni thế hệ mới nhất của Ấn Độ có thể đẩy nhanh hơn cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước