Báo chí với Tết Độc lập 1945

Phí Vân Anh - Duy Công (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 02/09/2015 08:09 GMT+7

VTV.vn - Ông Lê Đức Vân, Phụ trách Thanh vận Việt Minh thành Hoàng Diệu, Chủ biên báo Hồn nước 1944-1945 hiện vẫn còn giữ bài báo ngay sau Tết Độc lập của 70 năm trước.

Là một thanh niên thủ đô tham gia vào hàng ngũ Việt Minh thời ấy, ông Vân nhớ như in ngày đầu tháng 9 lịch sử. Một khí thế chung của độc lập, dân chủ và hiệu triệu ngập tràn trên trang nhất hầu khắp các báo.

Ông kể: "Báo những ngày này tập trung vào phổ biến chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh. Thứ hai là tập trung tường thuật cuộc mít tinh lớn ngày 2/9, nhấn mạnh bản Tuyên ngôn Độc lập… Nói chung báo chí làm cho người dân cảm thấy tự hào, rồi làm sao để giữ được độc lập. Có hiệu triệu cũng là để nhằm mục đích giữ vững nền độc lập đó".

Tháng 3/1942, Trung ương Đảng ra chỉ thị mỗi thành phố lớn phải lập một ban Thanh vận để vận động thanh niên và ra đời một tờ báo riêng. Cho đến trước Cách mạng tháng Tám, chỉ có Hà Nội thực hiện được chỉ thị này, đó là ra tờ báo Hồn nước của Thanh niên Hà Nội cứu quốc.

Giai đoạn này, hầu hết báo chí hoạt động bí mật, trong điều kiện khó khăn, nhưng thông tin, chủ trương vẫn đến đầy đủ với nhân dân, trở thành những hành động cụ thể.

Việc tuyên truyền lớn tiếp theo là chống giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm, rồi chống lụt. Sau đó vài ngày là kêu gọi tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội để chính thức đón Đồng minh với tư cách Nhà nước đã có chủ. Tiếp đến là vận động Tuần lễ vàng để quyên góp vì lúc đó ngân khố đã trống rỗng, dân ta đói nghèo rất nhiều... Những lúc ấy mới thấy hành động của người dân thật cảm động.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: "Từ một nước thuộc địa phong kiến trở thành quốc gia độc lập. Thời điểm ấy, báo chí là người tuyên truyền đồng thời cũng là người tổ chức, đó là nguyên lý của báo chí cách mạng Việt Nam… Những sự kiện như Tuần lễ vàng, Tết Độc lập coi giặc dốt, giặc đói là ưu tiên hàng đầu, xong mới đến giặc ngoại xâm. Đó là đường lối lấy nhân dân làm mục tiêu, có sức thuyết phục, tập hợp dân".

Hình ảnh xúc động cả triệu dân có mặt tại Quảng trường Ba đình 70 năm trước. Lá cờ đỏ sao vàng trải dài, tung bay giữa trái tim cả nước. Sau Cách mạng tháng Tám, sau Quốc khánh, người ta nói với nhau nhiều hơn về Quốc kỳ, biểu trưng của một nhà nước độc lập. Báo chí thời điểm này cũng không nằm ngoài xu thế ấy. Chủ đề Lá cờ trên các số báo - gắn với độc lập, tự do, cũng là chủ đề của lòng Đảng và lòng dân.

Nhiều tờ báo ra sau ngày Tết Độc lập 2/9 đã trích đăng sắc lệnh ấn định mẫu Quốc kỳ Việt Nam. Cờ đỏ, sao vàng và những cụm từ "Phải giữ cho được độc lập nước nhà" những ngày này đã hun đúc khí thế chung cho toàn dân. Cuộc cách mạng tháng Tám vẫn được các thế hệ truyền nhau là cuộc cách mạng không đổ máu, sự thành công đó có phần đóng góp không nhỏ của nền báo chí tuyên truyền cách mạng Việt Nam.

Đồng bào Tây Bắc hân hoan đón mừng ngày Tết Độc lập Đồng bào Tây Bắc hân hoan đón mừng ngày Tết Độc lập

VTV.vn - Hoà chung không khí mừng Quốc khánh trên cả nước, các dân tộc miền núi Tây Bắc cũng đang hân hoan đón Tết Độc lập với nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ đặc sắc.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước