Báo động tình trạng “chảy máu” dược liệu

Nguyễn Ngân-Thứ tư, ngày 25/05/2011 11:30 GMT+7

Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, nguồn dược liệu ở các tỉnh miền núi phía Bắc suy giảm nghiêm trọng. Một thực tế đáng lo ngại là do người dân không biết giá trị của cây thuốc, nên đang tự khai thác bán sang biên giới với giá rất rẻ.

Người dân Cao Bằng khai thác dược liệu ồ ạt mà không có sự quản lý của địa phương. Ảnh: danviet

Bản Cuốn, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng có 150 hộ dân, nhà nào cũng có người đi khai thác cây dược liệu để bán. Điểm thu mua cây dược liệu nằm ngay trên con dốc lớn dẫn vào bản, với mỗi kg cây sói rừng, người dân sẽ được trả từ 2.000-3.000đ. Sau khi các đầu mối đánh hàng giao tận tay lái buôn người Trung Quốc sẽ có giá là 5.000 đồng. Tuy nhiên, cả người dân và thương lái đều không biết sau chế biến, loài dược liệu được cho có khả năng đặc trị ung thư này có giá bán gấp 30 lần.

Anh Nông Văn Phi, Bản Cuốn, Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) nói: “Vất vả quá. Đi làm mới có tiền mua mì chính, nước mắm này, có tiền cho con đi học nữa”.

Còn chị Bế Thị Hường, xã Đức Xuân, huyện Thạch An (Cao Bằng) thì không hề biết loại cây mình đem bán có tác dụng gì: “Làm sao biết được. Được tiền thì bán. Thấy nó thơm thơm thì đoán là cây thuốc thôi”.

Tại các huyện có cửa khẩu với Trung Quốc, thương lái phối hợp với các đầu nậu lập ra các trạm thu mua dược liệu tại các địa phương. Vào cao điểm mùa thu hoạch, trung bình mỗi huyện ở Cao Bằng có từ 10-15 điểm thu mua. Người dân chỉ cần gùi, cõng thuốc xuống giao tại các điểm này, khi đủ chuyến, bên Trung Quốc sẽ cho người sang lấy. Cây dược liệu thậm chí không cần phơi khô, mà chỉ cần có đủ cả gốc lẫn ngọn thì vẫn được thu gom.

Bên Trung Quốc mang tiền sang và hỏi tôi: "Có loại cây này không" Họ nói sẽ mua. Tôi bảo có và làm giúp thôi. Trước ngày được vài tấn. Giờ thì cũng ít dần rồi. 2-3 ngày là sẽ đủ một chuyến, đủ các loại dược liệu”. Chị Nông Thị Ca, Chủ trạm thu mua dược liệu thôn Nà Pá, xã Đức Xuân, huyện Thạch An, Cao Bằng cho biết.

Hoạt động buôn bán nguồn dược liệu đang tái diễn hàng ngày, hàng giờ tại nhiều cửa khẩu, chính quyền thờ ơ với việc bảo vệ cây dược liệu. Trong khi người dân lại đang coi cây thuốc là nguồn tài nguyên vô tận. Do đó, khai thác theo kiểu hủy diệt, đào tận gốc, trốc tận rễ làm cho cây thuốc rất khó tái sinh.

Theo ông Hoàng Văn Bé, Chủ tịch Hội Đông Y tỉnh Cao Bằng: “Những cây thuốc này mọc trên núi đá, người dân lại chặt cả cây cả gốc như thế này, khai thác theo kiểu tận diệt như trên, Cao Bằng đang mất đi nhiều loài cây thuốc quý”.

PGS.TS Phùng Hòa Bình, Phó Trưởng bộ Môn Dược học Cổ truyền, Đại học Dược Hà Nội: Việc “chảy máu” dược liệu diễn ra từ từ, không biết có thể dừng lại đâu. Xót xa quá. Nếu cứ khai thác thế này thì chúng ta còn mất đi nguồn tri thức bản địa về các bài thuốc”.

Gia đình nhiều đời làm thuốc gia truyền, trước đây ông Nông Trưởng Đoàn chỉ cần bước chân lên đến rừng là gặp cây thuốc. Nay, nhiều loài dược liệu gần như biến mất hoặc chỉ còn sót lại ở khu vực rừng ít người đặt chân đến. Những bài thuốc gia truyền của đồng bào các dân tộc đang mất dần cũng báo động sự cạn kiệt, tuyệt chủng của các loài cây thuốc quý.

Việc tìm kiếm những cây thuốc quý tại những sườn núi đá ngày càng trở nên khó khăn. Ước tính, mỗi năm có khoảng 500.000 tấn cây dược liệu bị bán sang Trung Quốc với giá chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/10.000 giá trị thực tế của chúng. Việc xuất lậu cây thuốc không chỉ làm suy giảm nguồn tài nguyên cây thuốc, mà còn khiến các doanh nghiệp dược liệu sẽ phải nhập khẩu nhiều loại cây vốn đã là thế mạnh của nước ta.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước