"Bảo tồn di tích: Người dân phải được hưởng lợi"

Kiều Trinh -Thứ năm, ngày 30/05/2013 16:23 GMT+7

Đó là nội dung cuộc trao đổi của ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An với phóng viên VTV về kinh nghiệm tạo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển của Hội An.

Suốt 15 năm qua, từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hội An vẫn luôn được đánh giá là kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Khu đô thị cổ Hội An nhiều năm liền lọt vào danh sách những điểm đến hấp dẫn nhất châu Á do nhiều tạp chí uy tín của quốc tế bình chọn.

Với nhà đầu tư, tỉnh Hội An đã đề ra những quy định rất rõ ràng: không xây quá ba tầng; mật độ xây dựng không quá 30%; không được xây tường rào che chắn, không đi cửa sau, không mua đi bán lại... Chính sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân đã giúp Hội An lưu giữ và phục dựng được hàng trăm ngôi nhà cổ có niên đại hàng thế kỷ.

Điều quan trọng nhất là từ những chính sách nhất quán và rõ ràng của tỉnh Quảng Nam đã tạo nên nền tảng phát triển du lịch bền vững cho Phố cổ Hội An, khi nhiều du khách trong nước và quốc tế đều muốn quay lại. Từ việc phát triển du lịch bền vững với nhiều hoạt động phong phú, chính người dân nơi đây là người được hưởng lợi từ di sản.

‘ Kiến trúc nhà cổ luôn được người dân Hội An bảo tồn và phát triển. (Ảnh: Di sản xanh)

Nhiều năm nay, Hội An luôn là một trong những niềm tự hào về di sản văn hóa và du lịch của Việt Nam. Chương trình Gõ cửa ngày mới ngày 30/5 đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, người đã được phong tặng anh hùng lao động và giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh vì những đóng góp không biết mệt mỏi cho Hội An.

Phóng viên: Hội An luôn được xem như một ví dụ chuẩn mực về sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển di tích văn hóa. Ông có thể cho biết kinh nghiệm của chính quyền Hội An trong việc thu hút và khuyến khích người dân cùng tham gia bảo vệ di sản?

Ông Nguyễn Sự: Điều quan trọng và có lẽ mang tính quyết định là làm sao để người dân trong di tích đó sống được. Sống được không phải là sống như thời kỳ trước mà là thời điểm hiện tại, có nghĩa người dân phải có thu nhập, giàu lên hay khá lên từ chính di sản.

Chính từ việc có thu nhập từ di sản đã tạo nên ý thức cho người dân, khiến người dân càng có trách nhiệm và giữ gìn di sản. Cần phải biến di sản thành một tài sản thực sự, ngày một giàu lên về mặt tinh thần và đồng thời cũng làm ra nhiều của cải vật chất hơn cho chính những người dân sống cùng di sản.

Khi đã nâng cao được những tiềm lực kinh tế và ý thức của người dân, người dân sẽ không phá bỏ di sản, không quay lưng lại với di sản. Đồng thời với ý thức đó, người dân càng yêu di sản, không khai thác di sản một cách kiệt quệ.

Phóng viên: Trong quần thể khu đô thị cổ Hội An, đa phần là kiến trúc mộc cổ và những kiến trúc như vậy việc trùng tu đòi hỏi kinh phí rất lớn. Vậy, chính quyền thành phố đã làm như thế nào để giúp người dân trong việc trùng tu những di tích đó trong trường hợp các nhà cổ bị xuống cấp?.

Ông Nguyễn Sự: Việc đầu tư để trùng tu các di tích ban đầu là vấn đề nan giải của Hội An. Thời điểm những năm 1994 - 1995 nhiều người dân muốn phá bỏ nhà cổ để làm lại nhà mới. Không phải người dân không yêu di tích, không thích sống trong ngôi nhà cổ của họ mà do muốn trùng tu lại ngôi nhà cũ người dân phải tốn gấp 5 lần xây mới. Trong khi đó, người dân chưa có tiền, điều kiện kinh doanh và phát triển kinh tế trong khu phố cổ lúc đó chưa nhiều.

Từ thực tế đó, chính quyền thành phố đã phải suy nghĩ tới hướng sao cho người dân có thu nhập từ các di tích, mà hướng đó chỉ có thể đi theo hướng phát triển kinh tế du lịch. Tiếp theo đó cần tìm ra cách để khách du lịch tới ngày một đông và yêu mến Hội An. Khách du lịch tới Hội An không chỉ vì những di tích mà còn đến vì chính con người nơi đây, khách tới và cảm thấy thích thú, thấy muốn được quay trở lại đây một lần nữa. Như vậy, cùng với việc phát triển du lịch, nguồn vốn từ trong dân trong việc trùng tu di tích cũng đã đảm bảo hơn.

‘ Người dân Hội An cũng góp phần tạo nên sức hấp dẫn của du lịch phố cổ Hội An. (Ảnh: internet)

Tiếp theo là nguồn vốn từ chính sách và sự quan tâm của Nhà nước. Tiền bán vé tham quan của thành phố mỗi năm đạt gần 50 tỷ đồng, ngoài việc chi phí cho bộ máy, hướng dẫn tham và bán vé tham quan, số tiền còn lại sẽ quay trở lại đầu tư cho nhân dân trùng tu.

Đồng thời, chính quyền cũng đã đưa ra cơ chế rõ ràng, đối với những di tích đặc biệt đã hỗ trợ 100% và phân loại nhà để thành phố hỗ trợ tiền. Những gia đình trong hẻm nhỏ, không có mặt tiền và không được hưởng lợi gì việc hỗ trợ sẽ nhiều hơn từ 45 – 100%. Đối với những ngôi nhà mặt tiền, được hưởng lợi từ kinh doanh buôn bán sẽ hỗ trợ ít nhất từ 30% và nhiều nhất đối với các di tích đặc biệt là 50%.

Chính người dân trong thành phố cũng rất đồng thuận với việc này, từ đó thành phố Hội An cũng chống được sự xuống cấp của các di tích.

Phóng viên: Đối với Hội An và những người dân nơi đây, cái tên Nguyễn Sự không chỉ là người lãnh đạo mà còn là một công dân rất đặc biệt, là người bạn của tất cả người dân ở Hội An. Tại sao ông lại gắn bó với Hội An lâu như vậy mặc dù đã có nhiều đề xuất với vị trí lãnh đạo tại những nơi khác?

Ông Nguyễn Sự: Tôi sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại Hội An. Đối với mỗi người đều có nơi mà họ cảm thấy yêu mến và lựa chọn để gắn bó. Đối với tôi, Hội An là nơi nuôi dưỡng tôi, tạo cho tôi niềm tin và niềm vui trong công việc. Tôi nghĩ rằng vấn đề quan trọng không phải làm ở đâu, không phải làm ở vị trí nào mà là nơi nào bản thân cảm thấy có thể làm việc hiệu quả và nơi đó tôi cảm thấy sự yêu quý, ngược lại cũng yêu mến tôi thì tôi sẽ lựa chọn và gắn bó.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông vì những trao đổi rất hữu ích.

Mời quý vị và các bạn theo dõi VIDEO cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An - công dân đặc biệt của phố cổ Hội An.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước