Bắt cóc trẻ em - Thực trạng, thủ đoạn và cách phòng ngừa

Cuộc sống thường ngày-Thứ hai, ngày 23/11/2015 22:18 GMT+7

VTV.vn - Liệu thực trạng bắt cóc trẻ em đáng lo ngại đến đâu và chúng ta nên chú ý những gì để bảo vệ con em mình?

Tình trạng bắt cóc trẻ em tại một số địa phương đang xảy ra theo chiều hướng gia tăng và manh động. Tuy nhiên, bên cạnh những vụ việc nghiêm trọng thật sự, xuất hiện không ít tin đồn do “tát nước theo mưa”, chưa được xác thực nhưng đã được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội, khiến người dân vô cùng hoang mang và lo sợ.

Cách đây không lâu, hình ảnh một phụ nữ ôm một em nhỏ chạy giữa đường ở Quảng Ninh đã khiến dư luận lo lắng vì cho rằng đây là một vụ bắt cóc trẻ em. Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện công an tỉnh Quảng Ninh, thực chất người phụ nữ trong bức ảnh được chia sẻ trên Facebook bị “ngáo đá” và ôm chính đứa con của mình lao vào ô tô đòi tự tử. Trong khi cơ quan chức năng ngăn cản người phụ nữ và điều tra vụ việc, nhiều người qua đường hiếu kỳ đã chụp ảnh và tung tin lên mạng xã hội rằng đây là một vụ bắt cóc. Công an thành phố Hạ Long cho biết đã xác định được những đối tượng tung tin lên mạng xã hội và sẽ xử lý nghiêm các đối tượng này. Trước đó, công an phường Văn Quán, Hà Đông đã bác bỏ tin đồn được đăng trên Facebook về một vụ bắt cóc xảy ra trên địa bàn.

Trong bối cảnh nhiễu loạn tin tức như hiện nay, việc tìm kiếm những nguồn tin đáng tin cậy để cập nhật và thẩm định thông tin là điều mọi người đều cần lưu tâm. Nhằm giúp quý vị khán giả nắm rõ thực trạng bắt cóc trẻ em tại Việt Nam hiện nay và những điều cần chú ý để bảo vệ con em mình, chương trình Cuộc sống thường ngày đã mời tới trường quay Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thượng tá Trần Thế Hưởng, Phó Trưởng khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát Nhân dân, người vừa hoàn thành một công trình nghiên cứu khoa học về nạn bắt cóc trẻ em.

Theo Thượng tá Trần Thế Hưởng, có khoảng gần 20.000 vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em diễn ra mỗi năm, trong đó, số vụ bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản lên tới 45 - 50 vụ trong một năm. Mặc dù số vụ bắt cóc trẻ em không nhiều, tuy nhiên, tính chất các vụ việc ngày càng nghiêm trọng hơn với số lượng tiền chuộc được yêu cầu lên tới hàng tỷ đồng. Ngoài ra, nguy cơ tiềm ẩn của những tội phạm bắt cóc trẻ em có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Về thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản, Thượng tá Trần Thế Hưởng cho biết mục đích của đối tượng không phải là để chiếm đoạt đứa trẻ mà là vật chất, tiền chuộc từ gia đình của đứa trẻ. Do đó, đối tượng thường sử dụng các thủ đoạn bao gồm:

- Thăm dò, nghiên cứu, tìm hiểu những gia đình có điều kiện về mặt kinh tế và đang có con nhỏ.

- Nghiên cứu quy luật sinh hoạt của những người lớn trong gia đình, nghiên cứu quy luật sinh hoạt, học tập của những đứa trẻ trong gia đình để tìm ra những sơ hở của người lớn trong việc quản lý trẻ nhỏ nhằm thực hiện hành vi bắt cóc. Các thủ đoạn được áp dụng thường là:

+ Bí mật theo dõi, giám sát đứa trẻ trong lúc trẻ nhỏ chơi đùa tại công viên, trường học, trước cửa nhà... Khi nhận thấy sự xao lãng của người lớn trong việc quản lý, trong coi trẻ nhỏ, đối tượng sẽ thực hiện hành vi bắt cóc.

+ Mua chuộc, dụ dỗ trẻ nhỏ. Nếu đứa trẻ nghe theo lời đối tượng, đi tới một địa điểm có khoảng cách xa so với tầm quản lý của người lớn, đối tượng sẽ thực hiện hành vi bắt cóc.

+ Thực hiện hành vi vũ lực, khống chế người lớn và bắt cóc trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thủ đoạn này phần lớn chỉ xảy ra ở các khu vực ngoại đô, nơi mật độ dân cư thưa thớt, người tham gia giao thông không nhiều. Đối tượng sẽ thường tẩu thoát bằng phương tiện của mình trên các tuyến quốc lộ.

Bên cạnh những mặt tích cực của mạng xã hội, theo Thượng tá Trần Thế Hưởng, vẫn tồn tại nhiều vấn đề nhạy cảm trên các công cụ tiện ích này. Thượng tá khuyến cáo người lớn cần phải cân nhắc những thông tin của trẻ nhỏ khi đưa lên mạng xã hội.

Một số lời khuyên đáng chú ý dành cho các bậc cha mẹ khi sử dụng mạng xã hội bao gồm:

- Không nên đưa tên và hình ảnh trường học của con.

- Không nên đăng tải ảnh con không mặc quần áo.

- Không nên đăng tải những bức ảnh có họ và tên đầy đủ của con.

- Không nên đăng tải ảnh của con chụp cùng trẻ khác.

Theo Thượng tá Trần Thế Hưởng, nếu gặp phải tình huống con em mình bị các đối tượng bắt cóc, phụ huynh cần bình tĩnh và khẩn trương xác minh thông qua các mối quan hệ của người thân trong gia đình, thông qua nhà trường… để kiểm tra tính xác thực của thông tin về vụ bắt cóc. Nếu nhận thấy các dấu hiệu tương đối rõ nét về việc con em mình có thể đã rơi vào tay của những kẻ bắt cóc, Thượng tá khuyến cáo các gia đình cần bình tĩnh và khẩn trương, bí mật báo với cơ quan Công an thông qua số điện thoại đường dây nóng 113. Thượng tá Trần Thế Hưởng cũng khuyến cáo phụ huynh cần có niềm tin tuyệt đối với cơ quan chức năng, phải hợp tác chặt chẽ, tạo dựng đường dây nóng giữa gia đình và cơ quan chức năng, cung cấp cho cơ quan chức năng đầy đủ thông tin cá nhân của đứa trẻ nếu gặp phải tình huống con em mình bị bắt cóc.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước