Bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Mekong mở rộng GMS

Hữu Hưng - Mạnh Hà (thoisu@vtv.vn)-Thứ bảy, ngày 20/12/2014 06:00 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Bangkok. Ảnh: VGP

Điểm nổi bật tại hội nghị lần này là việc thảo luận các nội dung liên quan đến kế hoạch triển khai khuôn khổ đầu tư khu vực (RIF).

Ngày 19/12, tại Bangkok, Thái Lan bắt đầu diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Mekong mở rộng GMS lần thứ 5. Đây là hội nghị được tổ chức ba năm một lần với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Chính phủ đến từ 6 nước gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, cùng với đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Nổi lên tại hội nghị lần này là việc thảo luận các nội dung liên quan đến kế hoạch triển khai khuôn khổ đầu tư khu vực (RIF). Đây là một chương trình quy mô gồm 215 dự án có tổng kinh phí 51,5 tỷ USD trong 10 lĩnh vực hợp tác gồm giao thông, năng lượng, nông nghiệp, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, phát triển đô thị, du lịch, vận tải và thúc đẩy thương mại, công nghệ thông tin và truyền thông.

Mục tiêu xuyên suốt các dự án này là thúc đẩy sự kết nối giữa các nước tiểu vùng Mekong, trong đó bao gồm kết nối đường bộ, đường sắt, kết nối về năng lượng cũng như con người thông qua các hoạt động du lịch, văn hóa.

Kể từ khi hình thành vào năm 1992 đến nay, chương trình GMS đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Theo số liệu của ADB, các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm có tổng mức đầu tư lên tới 11 tỷ USD đã và đang được triển khai. Có thể kể tới một số dự án tiêu biểu như dự án nâng cấp đường cao tốc nối Thủ đô Phnom Penh của Campuchia với TP Hồ Chí Minh của Việt Nam; Hành lang kinh tế Đông - Tây dài 1.450 km, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar) chạy qua Thái Lan, Lào tới Đà Nẵng của Việt Nam.

Đến cuối năm 2013, chương trình GMS đã huy động được 16 tỷ USD cho các dự án đầu tư và 330,8 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật.

Theo chương trình, các nhà lãnh đạo 6 nước GMS sẽ bắt đầu phiên họp chính thức vào sáng 20/12. Đây sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực tiểu vùng Mekong, một khu vực có tổng dân số 300 triệu người và có nhiều tiềm năng để có thể trở thành động lực phát triển của kinh tế thế giới.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước