Bên thứ ba không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông

Cẩm Nhung-Thứ bảy, ngày 28/11/2009 12:38 GMT+7

“Các bên nên gác lại tranh chấp để tiến tới các cơ chế hợp tác ràng buộc về mặt pháp lý, cùng khai thác khu vực Biển Đông”. Đây là góp ý của các học giả, nhà nghiên cứu và các nhà khoa học sau 2 ngày chia sẻ quan điểm tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực”.

Qua hơn 25 bài tham luận và 4 phiên thảo luận, các học giả trong nước và quốc tế chia sẻ nhận định rằng: Gần đây, khu vực Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, điển hình nhất là việc Trung Quốc chính thức đưa ra Đường Lưỡi Bò để phản đối các nước khác nộp báo cáo về thềm lục địa kéo dài. Ngoài ra, việc nhiều nước tăng cường hoạt động khai thác tài nguyên trong khu vực đã dẫn đến tình trạng tranh đua, nhất là khi lại có sự tham gia của các công ty đa quốc gia. Những cơ chế hợp tác về mặt pháp lý rõ ràng là vẫn chưa đủ.

Giáo sư Ramses Amer - Nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu châu Á – TBD, Đại học Stockholm, Thụy Điển nói: “Nếu dùng các văn bản pháp luật, kể cả Luật Biển thì những văn bản vẫn có khả năng bị phiên dịch hoặc biên dịch khác nhau, dẫn đến những cách hiểu khác nhau, và như vậy lại tranh luận. Có những lúc, văn bản pháp lý không giúp ích gì được trong những tranh chấp. Tôi cho rằng: ý chí chính trị vẫn là quan trọng hơn cả, và ý chí chính trị thì tất nhiên cũng vẫn phải phản ánh được các dàn xếp về pháp lý. Luật vẫn là Luật, nhưng cuối cùng thì vẫn phải là ý chí chính trị”.

Theo ông Hoàng Việt – Giảng viên khoa Luật, đại học Quốc gia TP.HCM: “Trên thế giới đã có nhiều Hiệp định về khai thác chung ở các vùng biển có tranh chấp rồi, như: Nam Cực, hoăc biển Bắc. Nhưng quan trọng nhất là thái độ của các bên tham gia có thực sự cầu thị, thực sự muốn hợp tác không. Dựa vào sức mạnh hoặc đe dọa để đưa ra hợp tác thì sẽ không giải quyết được vấn đề. Người ta đang nói về việc xây dựng lòng tin. Ngay cả các thành viên trong cuộc tranh chấp này cũng chưa đủ lòng tin với nhau. Đó là việc cần phải làm để xây dựng hợp tác chung”.

Các học giả cho rằng: ngừng tranh chấp và cùng khai thác là những biện pháp để bổ khuyết cho quan hệ giữa các nước liên quan, như: xây dựng lòng tin, góp phần xóa bỏ nghi kỵ, tạo lợi ích kinh tế cho từng bên và đan xen lợi ích giữa các bên. Đối với khu vực Biển Đông thì Hợp tác nghề cá, hợp tác xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống là những lĩnh vực hợp tác cần ưu tiên.

Theo Giáo sư Stein Tonnesson, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Na Uy: “Một tài nguyên quan trọng ở Biển Đông là nguồn thủy hải sản. Tất cả người dân sống ở khu vực Biển Đông đều phụ thuộc vào nguồn lợi này. Các bên vẫn cần tiếp tục khai thác nguồn lợi thủy sản ở đây, nhưng không phải dùng tới bất kỳ cơ chế pháp lý đe dọa đến nguồn thủy sản cho thế hệ sau. Ngoài ra, các đảo san hô đang bị phá hủy, không chỉ bởi cách khai thác thủy sản không khoa học, bằng chất nổ chẳng hạn. Nó cũng đang bị phá hủy bởi các lực lượng hải quân đang ở trên chính những đảo này. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các đảo san hô là vấn đề mà mọi người thưc sự cần phải quan tâm”.

Tiến sỹ Mark J.Valencia – Chuyên gia về Biển, Trung tâm Đông – Tây, Hawaii, Hoa Kỳ thì cho rằng: “Điều quan trọng hiện nay là các bên liên quan cần tôn trọng Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, tuân thủ các điều khoản trong Tuyên bố. Như vậy, các bên mới hạn chế được căng thẳng và xung đột, hoặc giảm bớt nguy cơ xung đột”.

Phần lớn các học giả đều cho rằng: những tranh chấp hoặc căng thẳng hiện nay tại khu vực Biển Đông sẽ không dẫn đến những xung đột quân sự quy mô lớn, bởi chính lợi ích của các bên liên quan trong một thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau. Tuy nhiên, các bên thứ 3 không nên chủ động can thiệp, trong đó có cả những nước lớn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước