Bộ GD&ĐT trả lời về việc chậm chi trả hỗ trợ trẻ mầm non

VTV News-Thứ năm, ngày 25/04/2013 16:47 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. (Ảnh: VTV News)

 Để có thêm thông tin về việc chậm chi trả hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo, phóng viên Đài THVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đơn vị chủ trì đề án.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và chính sách với giáo viên mầm non đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/12/2011, tức là cách đây hơn 1 năm. Nhưng đến thời điểm này, Thông tư hướng dẫn thực hiện mới được Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ thông qua và bắt đầu đi vào triển khai.

Sự chậm trễ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến ý nghĩa của một chính sách nhân văn, tiếp sức trẻ khó khăn đến trường. Để có thêm thông tin chi tiết về vấn đề này, phóng viên Đài THVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đơn vị chủ trì đề án.

PV: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và chính sách với giáo viên mầm non đã được ban hành và có hiệu lực cách đây hơn 1 năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này Thông tư hướng dẫn thực hiện mới được Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ thông qua và bắt đầu đi vào triển khai. Vậy bà có nghĩ đây là một sự chậm trễ và nguyên nhân của việc này là do đâu?

Bà Nguyễn Thị Nghĩa: Quyết định về vấn đề này của Thủ tướng Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 15/12/2011, nhưng đến mãi 11/3/2013 chúng tôi mới ban hành Thông tư liên tịch và ngày 25/4/2013 này Thông tư mới có hiệu lực. Như vậy, việc chúng tôi ban hành Thông tư liên tịch là có bị chậm trễ.

Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ có nhiều nội dung cần sự phối hợp của các bộ, ngành, chính vì vậy khi triển khai Thông tư đã bị chậm.

Việc Thông tư chậm được ban hành là thếu sót của các cơ quan quản lý mà trước hết là cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, trong đó có Bộ GD&ĐT chúng tôi. Đặc biệt là thiếu sót ở các bộ phận của cơ quan tham mưu, vì các bộ phận này chưa thật sự quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Thông tư.

PV: Thông tư hướng dẫn chậm, đồng nghĩa với việc có những em học sinh lẽ ra theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cách đây hơn 1 năm sẽ thuộc diện hỗ trợ, nhưng đến thời điểm này các em đã quá tuổi. Vậy Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp nào để khắc phục những trường hợp này?

Bà Nguyễn Thị Nghĩa: Đối với các thầy cô giáo thuộc tượng hỗ trợ của Thông tư, sẽ vẫn đảm bảo việc truy lĩnh, còn đối với trẻ 3 tuổi của các năm học trước sẽ không thuộc diện hỗ trợ. Về vấn đề này chúng tôi cũng đã đề xuất Bộ Tài chính, nhưng cũng không được Bộ chấp thuận. Tuy nhiên, khi các em lên 4 tuổi các em sẽ được hỗ trợ.

PV: Có một thực tế về những câu chuyện những phóng viên VTV ghi nhận được ở các vùng khó khăn đó là các trường thường chi trả kinh phí hỗ trợ các em học sinh theo từng quí một. Việc này, khiến cho số tiền ấy chưa chắc đã phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của các em. Vậy với đợt hỗ trợ mới này có gì mới và Bộ GD&ĐT có lưu ý gì đối với các địa phương trong việc triển khai phân bổ nguồn ngân sách này, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Nghĩa: Về vấn đề này, chúng tôi cũng đã có ý kiến đề nghị các địa phương chi trả kinh phí hỗ trợ theo hàng tháng cho trẻ, để đảm bảo số tiền được sử dụng đúng mục đích.

Vâng xin cảm ơn bà đã tham gia cuộc trao đổi!

Mời quí vị xem lại VIDEO toàn bộ nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên VTV với bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tại đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước