Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương theo dõi chặt tình hình xâm nhập mặn

Đặng Công - Thanh Chương - Nhật Di (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 17/02/2016 14:38 GMT+7

VTV.vn - Trước tình hình hạn, mặn gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống người dân, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương trước mắt phải theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn.

Hôm nay (17/2), Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Chưa năm nào, xâm nhập mặn và hạn hán diễn ra sớm và gay gắt như hiện nay tại Đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự báo, mặn sẽ còn tiếp diễn đến tháng 6/2016 và gây nhiều thiệt hại đến lúa cũng như đời sống của người dân. Vì vậy, giải pháp ứng phó với hạn, mặn là trọng tâm của Hội nghị này.

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, đã có 30.000 ha lúa ở Kiên Giang bị thiệt hại, khoảng 950.587 ha lúa Đông Xuân ở 8 tỉnh ven biển bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Tại khu vực sông Hậu, mặn đã bắt đầu xâm nhập đến thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long - nơi vốn có nước ngọt quanh năm. Để hạn chế thiệt hại, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương trong vùng trước mắt phải theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn; điều tiết các công trình thủy lợi lấy nước ngọt. Các tỉnh phải vận động người dân đắp các đập thời vụ, bơm nước vào các kênh cấp vào nội đồng; tuyệt đối không để người dân xuống giống vụ Xuân Hè.

Phản ánh tại Hội nghị, đại diện tỉnh Hậu Giang yêu cầu Bộ NN&PTNT cho phép các địa phương được tùy tình hình thực hiện những giải pháp công trình và phi công trình để phòng chống thiên tai. Nếu công trình nào vượt quá khả năng tài chính thì Bộ, Chính phủ phải hỗ trợ. Tình hình hạn, mặn sẽ còn kéo dài, vì vậy, Bộ NN&PTNT phải đưa ra những giống lúa phù hợp cho vụ Hè Thu tới.

Còn đại diện tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành nạo vét kênh, mương, đắp những đập thời vụ, lắp nhanh van cống để ngăn mặn. Tuy nhiên, vấn đề lo lắng nhất vẫn là nguồn nước sinh hoạt của người dân. Hiện, một số xã ven biển đã phải mua nước sinh hoạt với giá từ 30.000 - 50.000 đồng/khối. Riêng vụ Hè Thu, tỉnh Kiên Giang sẽ cho xuống giống sớm ở những vùng cụ thể. Nơi nào bị hạn mặn cao thì sẽ không xuống giống.

Ngoài các biện pháp hiện tại, các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cống ngăn mặn ven biển Đông và biển Tây. Bộ và các nhà khoa học phải có những giải pháp lâu dài, hiệu quả để đối phó với hạn, mặn bởi hiện tại, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước