Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đã đến lúc phải thiết chế một thị trường công nghệ

VTV ONLINE-Thứ bảy, ngày 07/12/2013 13:45 GMT+7

 “Cơ chế chính sách của chúng ta vẫn chưa thật sự hỗ trợ được cho doanh nghiệp cũng như các nhà khoa học” - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nói trong cuộc tọa đàm tại Sự kiện & Bình luận sáng nay, 7/12.

Trong cuộc tọa đàm sáng nay, 7/12, của Sự kiện & Bình luận, với chủ đề xoay quanh đổi mới và sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã được mời là nhân vật khách mời. Trong cuộc tọa đàm, Bộ trưởng đã có những câu trả lời liên quan tới sự phát triển của công nghệ cũng như mối quan hệ giữa công nghệ và doanh nghiệp tại Việt Nam.

‘ Bộ trưởng Nguyễn Quân trong buổi tọa đàm tại Sự kiện & Bình luận sáng 7/12. (Ảnh: VTV Online)

Theo Bộ trưởng, sau khi nghị định số 80 về doanh nghiệp và công nghệ - loại hình mà doanh nghiệp phát triển dựa trên nền tảng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ - được ban hành vào năm 2007, có rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam bắt đầu tham gia vào hệ thống này, tuy nhiên, con số đăng ký không cao.

“Theo khảo sát của chúng tôi, có 2000 doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có thể đáp ứng được các tiêu chí của Doanh nghiệp và công nghệ - sản xuất kinh doanh hàng hóa dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu hoặc của trong nước hoặc nhập khẩu. Nhưng số doanh nghiệp đăng ký giấy chứng nhận chưa tới 3 chữ số” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Giải đáp cho lý do dẫn đến số đăng ký giấy chứng nhận thấp, Bộ trưởng Nguyễn Quân thẳng thắn đưa ra 3 lý do theo quan điểm của ông: “Thứ nhất, đó là các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ lòng tin vào các cơ chế chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp và công nghệ. Thứ 2, các nhà khoa học Việt Nam chưa mạnh dạn bước chân vào thị trường. Họ có kết quả nghiên cứu nhưng khi dùng kết quả ấy thành lập doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh thì họ lại rất e ngại. Thứ 3, cơ chế chính sách của chúng ta vẫn chưa thật sự hỗ trợ được cho họ. Chúng ta chưa có cơ chế để giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu có nguồn gốc ngân sách nhà nước để các nhà khoa học có thể chuyển nhượng cho doanh nghiệp, có thể góp vốn vào doanh nghiệp hoặc tự mình lấy đó làm vốn thành lập doanh nghiệp công nghệ”.

Vậy làm thế nào để giải quyết được tình hình này?

“Trong luật doanh nghiệp 2013 chúng tôi đã xây dựng những điều khoản để hỗ trợ cho hoạt động này” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói – “Trong luật này, nhà nước sẽ giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu, nhà nước tạo cơ chế để các nhà khoa học có thể tự mình lập doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản vô hình là tài sản trí tuệ của họ và thậm chí có thể chuyển nhượng cho doanh nghiệp và khi đó cả 3 bên đều được lợi. Nhà nước được lợi, các doanh nghiệp được lợi và các nhà khoa học được lợi”.

Cũng trong cuộc tọa đàm, trước câu hỏi Bộ phát động phong trào đổi mới và sáng tạo trong thời điểm này liệu có phải là thời điểm thuận lợi khi các doanh nghiệp Việt Nam đang kiệt quệ về tài chính khi vừa phải trải qua một thời kỳ suy giảm dài? Các doanh nghiệp liệu có đủ tiềm lực để tham gia vào tiến trình này? Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng đây chính là thời điểm thích hợp hơn cả để thực hiện quá trình đổi mới.

“Chúng ta có thể hình dung là nếu một người bơi rất giỏi đang ở thời kỳ rất sung sức thì chắc người ta không cần đến một cái phao. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp của chúng ta đang gặp khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản thì cái phao duy nhất họ trông cậy được chính là phát triển công nghệ cho chính doanh nghiệp của mình” – Bộ trưởng Nguyễn Quân lý giải – “Chính vì thế, ở thời điểm này chúng ta đưa ra đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng khoa học công nghệ là rất phù hợp với những doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đang tồn tại tốt cũng vẫn rất cần phát triển công nghệ và những doanh nghiệp càng gặp khó khăn thì càng cần đến đổi mới công nghệ để cho ra sản phẩm mới, để trụ lại trong bối cảnh hiện nay”.

“Chúng tôi thấy đổi mới sáng tạo sẽ giúp cho hệ thống doanh nghiệp của chúng ta” – Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết thêm: “Từ trước đến nay thị trường công nghệ của chúng ta còn rất manh nha nhưng bây giờ đã đến lúc chúng ta phải thiết chế một thị trường công nghệ với đầy đủ ý nghĩa của nó, bao gồm nguồn cung là giới khoa học, nguồn cầu là giới doanh nghiệp nhưng chúng ta phải thiết lập cầu nối giữa 2 khối này, đó là các định chế trung gian trong thị trường công nghệ. Hầu như chúng ta không có những tổ chức trung gian để làm việc này, rất ít các tổ chức về đánh giá, thẩm định, giám định, định giá, tư vấn… để các nhà khoa học và doanh nghiệp có thể đến được với nhau, tìm hiểu nhau và đáp ứng nhau”.

“Luật khoa học và công nghệ năm 2013 vừa rồi đã thiết lập được hệ thống như vậy và Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành một quyết định mới về chương trình phát triển thị trường công nghệ. Chúng tôi hy vọng sắp tới thị trường công nghệ sẽ có những khởi sắc”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước