Cải cách tiền tệ thế giới

Minh Hường-Thứ năm, ngày 05/05/2011 14:30 GMT+7

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, việc phụ thuộc vào đồng USD đang khiến cho hệ thống tiền tệ thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực.

Với sự suy yếu của đồng USD và sự lớn mạnh của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, ngày càng nhiều ý kiến mong sớm đưa thêm các đồng tiền khác vào rổ tiền tệ quốc tế.

Đây là một trong các nội dung đáng chú ý tại Hội nghị cấp cao về cải cách tài chính. Hội nghị diễn ra với sự đồng chủ tọa của Bộ trưởng Tài chính Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ cùng các lãnh đạo cấp cao của ADB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Các ý kiến chủ tọa nhận định, khi ngày càng có nhiều câu hỏi về việc giảm sự phụ thuộc vào USD, nghĩa là niềm tin thị trường vào đồng tiền này đang giảm sút.

Ông Ben - Financial Times: Thế giới sẽ làm như thế nào để không phụ thuộc vào đồng USD?

Bà Christine Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Pháp: Chúng ta không cần thay thế đồng USD. USD vẫn là USD, mà hoa hồng thì vẫn là hoa hồng. Đúng là có nguy cơ khi sử dụng một đồng tiền duy nhất, ta có thể khuyến khích dùng thêm các đồng tiền khu vực. Việc mở rộng rổ tiền tệ sẽ tạo sự cân bằng hơn.

Ông Pranab Mukherjee, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ: Chúng ta đang sống trong thế giới đa cực, cần nghĩ đến hệ thống tài chính đa cực. Chúng ta cần tiếp tục thảo luận để đạt được sự đồng thuận về các đồng tiền khác ngoài USD.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của hai nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ đang khiến trung tâm kinh tế nhanh chóng chuyển sang châu Á. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, một hệ thống tiền tệ quốc tế chi phối bởi đồng USD, với sự hỗ trợ của các đồng tiền khác như Euro, Bảng Anh, Yen Nhật, không phản ánh đúng tình hình kinh tế thực tế hiện nay.

Ông Naoyuki Shinihara, Phó Chủ tịch Quỹ tiền tệ quốc tế IMF: Rõ ràng là, vị thế của các nền kinh tế mới nổi ngày càng quan trọng trong kinh tế toàn cầu, nên đồng tiền của họ phải mạnh hơn trong hệ thống tiền tệ thế giới. Nói thế không phải ngay lập tức đã thay thế được đồng USD trong khu vực, điều quan trọng là các thị trường này phải mạnh lên, từ đó đồng tiền của họ sẽ ngày càng rộng hơn.

Liên quan đến đề xuất của việc nâng cao vai trò của Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) được Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF phát hành để thay thế USD, nhiều ý kiến cho rằng, điều này khó xảy ra ngay lúc này.

Ông Yoshihiko Noda, Bộ trưởng Tài chính Nhật: Triển vọng sử dụng đồng SDR trong tương lai là có, nhưng trong bối cảnh giao thương quốc tế như hiện nay, tôi nghĩ đồng USD vẫn giữ vai trò chủ đạo. Cho đến nay, việc sử dụng đồng SDR còn quá khiêm tốn trong kinh tế toàn cầu, chỉ có một số tổ chức sử dụng đồng SDR vào một số mục đích mà thôi.

Bên cạnh các nhận định khác nhau về tương lai của các đồng tiền chủ đạo, các ý kiến đều thống nhất rằng, sự cải cách bằng cách đa dạng hóa rổ tiền tệ có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp khu vực châu Á đạt được tăng trưởng mạnh và toàn diện.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước