Cần có biện pháp bảo vệ quyền lợi trẻ trước nạn bạo hành

Minh Đức-Thứ tư, ngày 13/12/2017 07:01 GMT+7

VTV.vn - Đa số những vụ bạo hành trẻ em là do người thân như cha mẹ, bảo mẫu gây ra. Nguyên nhân bởi những người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết, thiếu kiềm chế, thiếu tôn trọng trẻ.

Thời gian qua, nhiều vụ bạo hành trẻ em liên tục xảy ra khiến dư luận vô cùng bức xúc và phẫn nộ. Theo ông Đặng Hoa Nam (Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động, thương binh, xã hội), rất nhiều vụ bạo hành đã được kịp thời phát hiện nhờ người dân tốc giác qua Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và 1800157.

Theo thống kê, tại Việt Nam, đa số những vụ bạo hành trẻ em phần lớn là do người thân như cha mẹ, cô giáo, người trông trẻ gây ra. Nguyên nhân là bởi những người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kiềm chế và thiếu tôn trọng trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết ngay sau khi thông tin báo chí đăng tải về vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở Mầm Xanh, Cục Trẻ em đã liên hệ với Bộ Giáo dục - Đào tạo và địa phương áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em như đóng cửa cơ sở, chuyển trẻ em sang các lớp khác, đồng thời đề nghị địa phương hướng dẫn đưa trẻ em bị bạo hành tới các trung tâm xã hội sàng lọc tâm lý để được tư vấn.

Không chỉ các vụ việc bạo hành học đường, nhiều vụ bạo hành trong gia đình cũng được phát giác. Gần đây nhất là vụ việc cháu bé 10 tuổi bị bố đẻ và mẹ kế đánh đập suốt hơn 2 năm tại Hà Nội khiến dư luận phẫn nộ. Ông Đặng Hoa Nam cho biết những vụ bạo lực diễn ra trong gia đình thuộc mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ có nhiều yếu tố phức tạp. Đặc biệt là yếu tố tâm lý tình cảm của đối tượng bị xâm hại, khi trẻ bị xâm hại thường bị hoảng loạn cho nên ngoài biện pháp can thiệp theo quy định pháp luật thì còn cần căn cứ vào tâm lý của trẻ và thời gian để xử lý. Việc tách trẻ ra khỏi gia đình phải tùy thuộc vào diễn biến tâm lý, cũng như sự đánh giá về mức độ bạo hành về cả thể chất, tinh thần của trẻ.

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, để hạn chế bạo hành trẻ em, các trường học cần thực hiện công tác phòng ngừa qua việc theo dõi giám sát môi trường chăm sóc trẻ. Đối với gia đình, cha mẹ cần tổ chức các lớp kỹ năng chăm sóc trẻ. Tại các trường sớm có lớp tham vấn tâm lý học đường cho cả học sinh và giáo viên để có điều chỉnh tốt hơn, nhất là khi phát hiện có sang chấn tâm lý để trị liệu sớm.

Hiện Luật pháp Việt Nam đã có rất nhiều quy định bảo vệ quyền lợi của trẻ, Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 và các văn bản pháp luật khác quy định xử lý nặng hành vi xâm hại trẻ em, trong đó, trẻ càng nhỏ thì mức độ xử phạt càng nặng.

Ngoài ra, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã công bố Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111 được kết nối trên cả nước để tiếp nhận tất cả các thông tin tố giác hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Đây được xem là quyết tâm của Nhà nước trong việc bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành, xâm hại ngày càng có xu hướng gia tăng. Việc công bố Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em là dịch vụ công đặc biệt thực hiện tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và các em qua điện thoại là sự kiện quan trọng góp phần thực hiện chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin và kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước