Cần một lộ trình để xây dựng lương tối thiểu

Quang Linh - Văn Phồn-Thứ tư, ngày 01/05/2013 21:20 GMT+7

Ảnh khai thác

 Luật Lao động sửa đổi có giá trị thi hành từ hôm nay (1/5/2013) với nhiều điều khoản bảo vệ quyền lợi của người lao động, trong đó có nội dung về mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, cần có một lộ trình để xây dựng cho phù hợp thực tế.

Luật Lao động sửa đổi có giá trị thi hành từ hôm nay (1/5/2013) với nhiều điều khoản bảo vệ quyền lợi của người lao động như: Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng, thay vì 4 tháng như hiện nay; Tuổi nghỉ hưu sẽ được quy định cụ thể cho các nhóm lao động; Mức lương sẽ được tính trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động với chủ sử dụng lao động…

Điều mà người lao động và các doanh nghiệp quan tâm nhất trong Luật hiện nay chính là quy định “Mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu” bởi mức lương này hiện chỉ đáp ứng chưa được gần 70% mức sống tối thiểu của người lao động. Để Luật Lao động sửa đổi ban hành có hiệu quả và bảo vệ quyền lợi của người LĐ và chủ sử dụng lao động rất cần có một sự đồng thuận về thế nào là mức sống tối thiểu để từ đó tính ra được mức lương và phải có một lộ trình để xây dựng lương tối thiểu.

Thu nhập thực nhận của chị Nguyễn Thị Minh - một công nhân ở khu Công nghiệp Thăng Long chỉ hơn 4 triệu đồng một tháng. Khoản tiền này đã bao gồm lương tối thiểu cộng với tiền tăng ca, tiền chuyên cần. Với thu nhập như vậy, phải rất tiết kiệm, chị Minh mới đủ sống.

Các doanh nghiệp cũng đang chịu sức ép mỗi khi lương tối thiểu tăng, ngoài việc trả thêm lương thì họ phải đóng nhiều hơn các khoản BHXH, BHYT cho người lao động. Các doanh nghiệp đều hiểu rằng nếu chỉ có lương thì người lao động không đủ sống, phần lớn doanh nghiệp đang trả thu nhập cho lao động bằng cách nâng định mức sản xuất cao hơn hay khoán lương theo sản phẩm chứ không theo lương tối thiểu.

Mỗi lần tăng lương tối thiểu là một lộ trình phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế. Do kinh tế khó khăn, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương tối thiểu theo vùng từ ngày 1/1/2013 với mức tăng 16-18% (thấp hơn so với dự kiến tăng là 35-37%). Đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách, Chính phủ sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung lên 1,15 triệu đồng từ 1/7/2013 (thay vì điều chỉnh lên 1,3 triệu đồng từ 1/5/2013).

Bộ Lao động đang trình Chính phủ 2 phương án trong đó phương án được Bộ cho là tối ưu nhất là mức lương tối thiểu sẽ đạt nhu cầu tối thiểu vào năm 2016 -2017 với mức tăng từ 25-31%.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động TBXH nhận định: “Để xây dựng lương tối thiểu cần có một lộ trình, nhất là trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay. Theo dự kiến, mức lương tối thiểu sẽ đạt mức sống tối thiểu vào năm 2017 nếu kinh tế không biến động”.

Theo Luật lao động sửa đổi, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu có giá trị từ ngày 1/5/2013. Tuy nhiên, việc xây dựng mức lương theo luật đang đặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường lao động không ổn định.

Bảo đảm đời sống cho người lao động vẫn còn là bài toán khó khi phần lớn họ phải tiết kiệm để sống với thu nhập như hiện nay. Trong thời điểm này, việc xây dựng mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu cần phải có một lộ trình để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và ổn định an sinh xã hội.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước