"Càng khó khăn càng phải đổi mới mạnh mẽ"

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 04/04/2017 18:59 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng ​3/2017. (Ảnh: TTXVN)

Càng khó khăn càng cần phải tái cơ cấu và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.

Theo đó, Chính phủ sẽ vừa nỗ lực tháo gỡ những khó khăn trước mắt và dài hạn của nền kinh tế vừa thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế và hoàn thiện thể chế.

Ngoài 10 điểm sáng về kinh tế-xã hội và 6 điểm tồn tại, được nêu vào đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cập nhật thêm những số liệu mới nhất với các thành viên Chính phủ. Đó là 3 tháng vừa qua, đầu tư toàn xã hội tăng cao hơn cùng kỳ năm trước, trong đó đầu tư khu vực tư nhân trong nước có tỉ trọng lớn nhất, mức tăng trưởng cao nhất. Chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài khá hơn. Kim ngạch xuất khẩu, nhất là của các doanh nghiệp trong nước tăng cao hơn cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới, trong đó có những doanh nghiệp khởi nghiệp tăng mạnh. Thêm vào đó, 65% doanh nghiệp tư nhân có lãi, cao nhất trong 5 năm vừa qua. Có 51 tỉnh, thành có chất lượng điều hành từ khá trở lên. Những điểm tích cực này thể hiện môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam đang hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng nền kinh tế đang đối diện với 2 sức ép lớn về tăng trưởng kinh tế và tỷ giá, chủ yếu là từ dài hạn, tồn tại nhiều năm nay, chưa được giải quyết, đi cùng với chính sách bảo hộ thương mại, chính sách thuế biên giới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Để giảm sức ép đối với tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu phải có kịch bản tăng trưởng cho từng ngành và sản phẩm, nhất là ngành than, dầu khí, xây dựng và công nghiệp chế tạo, đi cùng với thúc đẩy tiêu dùng nội địa để đưa tốc độ tăng trưởng bán lẻ lên 2 con số. Để giảm sức ép về tỉ giá và lãi suất, nhất là sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất USD, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan phải quản lý, điều hành tốt thì mới giữ lạm phát ở ngưỡng 4%. Bởi nếu tăng trưởng kinh tế mà lạm phát cao thì không có ý nghĩa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Tổng sản phẩm trong nước quý I chỉ đạt 5,1%, do vậy, nếu không có quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, đặc biệt là các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành khó có thể đạt mức tăng trưởng 6,7%.

Trả lời câu hỏi, giải pháp cho tăng trưởng nằm ở đâu? Thủ tướng cho rằng còn nhiều lãng phí trong xã hội, trong tiêu dùng, nên cần triệt để tiết kiệm trong đầu tư, trong sản xuất kinh doanh để giảm chi phí, hạ giá thành và tăng giá trị gia tăng. Thủ tướng cũng cho rằng lực lượng vật chất trong dân còn rất lớn, nên phải huy động được để phục vụ sản xuất kinh doanh, đi cùng với đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đối với hệ thống ngân hàng phải tăng cường xử lý nợ xấu để giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%.

Với quyết tâm không để chiếc "vòng kim cô" của những thể chế còn xót lại từ thời bao cấp trói buộc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ cần dành nhiều thời gian hơn cho giải quyết các vấn đề dài hạn như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thủ tướng nêu rõ, dù đã có tiến bộ về môi trường đầu tư kinh doanh nhưng ở cấp xã, phường vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa làm tốt việc này, vì vậy phải chống được hiện tượng trì trệ hiện nay của một bộ phận cán bộ công chức, đặt yêu cầu trong đẩy mạnh cải cách thể chế. Thủ tướng yêu cầu, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải ra tay trực tiếp, còn các Phó Thủ tướng phải giao ban, kiểm tra, xử lý cụ thể nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trong sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho phát triển.

Thủ tướng biểu dương Văn phòng Chính phủ bắt đầu đưa vào hoạt động trang web riêng để nghe người dân và doanh nghiệp phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh, để báo cáo với Thường trực Chính phủ để tháo gỡ kịp thời hơn. Thủ tướng cũng cho biết sau một năm triển khai Nghị quyết 35 Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã có nhiều kết quả tốt đẹp, Thủ tướng quyết định sẽ mở hội nghị với doanh nghiệp lần thứ hai. Nhân dịp này, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thông điệp mạnh mẽ với Google, Facebook, khẳng định chủ quyền, không để những doanh nghiệp này bỏ qua những yêu cầu của Việt Nam, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị và an toàn xã hội.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước