Cảnh báo thủ đoạn lừa sang Trung Quốc làm thuê

Thế Tiệp - Đài PTTH Lai Châu-Thứ tư, ngày 28/08/2013 15:30 GMT+7

 Từ đầu năm 2013 đến nay, hơn 40 người dân ở xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nghe lời rủ rê đã vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê với hy vọng có thu nhập cao. Tuy nhiên, thu nhập cao không thấy, mà nhiều người còn bị phía Công an Trung Quốc bắt và trả về Việt Nam.

Sau 2 tháng trời làm lụng vất vả bên Trung Quốc không được tiền công, lại còn bị Công an nước bạn bắt giam vì không có giấy tờ tùy thân, anh Lò Văn Minh (bản Hợp 1, xã Ban Lang, huyện Phong Thổ) đã phải nhờ người nhà sang cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Tuyên Quang đón về khi trong người không có một đồng tiền công.

Anh Minh cho biết, vì nghe theo lời rủ của Tao Văn Nguyên (quốc tịch Trung Quốc) dụ dỗ sang bên đó làm việc lương cao mà công việc lại nhàn, nên 22 người trong xã đã rủ nhau đi theo Nguyên và được đối tượng này hứa hẹn là sẽ lo thủ tục giấy tờ cho mọi người. Tuy nhiên, khi đến cửa khẩu Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ, người dẫn đường lấy lý do buổi trưa cán bộ không làm việc, nên tất cả phải xuống xe vượt biên bằng đường suối sang bên Trung Quốc.

Sau khi đi bộ bằng đường suối, 22 người dân xã Ban Lang lại tiếp tục phải đi sâu vào trong nội địa phía Trung Quốc gần 2 ngày mới đến chỗ làm việc với điều kiện sinh hoạt khổ sở và công việc nặng nhọc. Sau gần 2 tháng làm việc vất vả nhưng 22 lao động đã không được trả tiền công, nếu muốn có tiền phải tiếp tục làm việc tiếp và khi càng đợi thì càng không thấy tiền đâu.

“Khi chúng tôi hỏi tiền công, họ bảo mấy ngày nữa sẽ trả nhưng đợi 6, 7 ngày cũng không thấy gì. Sau đó họ lại bảo phải làm thêm thời gian nữa mới trả. Chúng tôi biết là bị lừa nên bảo nhau về Việt Nam”, anh Minh nói.

Ông Vàng Văn Nghiệm - Trưởng Công an xã Bản Lang, huyện Phong Thổ cho biết, từ năm 2012 đến nay, xã có hơn 100 trường hợp sang Trung Quốc làm thuê và trong số đó có nhiều người không được trả tiền công. Mặc dù, Công an xã đã rất tích cực tuyên truyền bà con không được sang Trung Quốc làm thuê trái phép, nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra.

‘ Ảnh: VTV News

Theo lời kể của những lao động đã từng bị lừa, chủ đất Trung Quốc có nhiều thủ đoạn để không trả công cho người lao động. Chẳng hạn như nhiều người bị bắt tiếp tục làm không công một thời gian nữa mới trả, người lại lại bảo chưa có thu hoạch nên chưa có tiền. Mặt khác, có chủ đất gần đến thời hạn phải trả lương đã gọi Công An Trung Quốc đến kiểm tra. Vì vượt biên trái phép đi làm không ai có đủ giấy tờ, nên những người lao động lại bị bắt trả Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên VTV, Đại tá Lò Văn Bích - Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Công an tỉnh cũng đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tăng cường tuyên truyền, vận động bà con không xuất cảnh trái phép. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân có điều kiện khó khăn, thiếu thốn nên tận dụng những ngày nông nhàn sang Trung Quốc với lý do thăm người thân và ở lại làm thuê tại một số đồi nương, trang trại”.

Thiết nghĩ, trong công tác tuyên truyền cũng cần phát huy những nhân chứng trong việc kể lại những thủ đoạn và tác hại của việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Mặt khác, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với những lời rủ rê để kiên quyết từ chối và báo cáo với chính quyền, lực lượng chức năng để có biện pháp xử lý. Cùng với đó là quan tâm chăm lo về việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân để họ yên tâm phát triển kinh tế trên chính mảnh đất họ đang sống.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước