“Chặt chém” khách du lịch: Căn bệnh trầm kha dai dẳng

Trọng Ninh-Thứ tư, ngày 19/06/2013 14:00 GMT+7

 Tình trạng “chặt chém” khách du lịch ngày càng báo động, gây nhức nhối trong dư luận đồng thời làm khó cho cả doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong việc quảng bá thu hút khách tham quan.

Lần nào đưa khách tham quan thành phố quê hương mình, anh Duy, hướng dẫn viên du lịch phải làm một việc mà theo anh vô cùng bất đắc dĩ đó là dặn dò các vị khách phải hết sức cẩn trọng với tình trạng chèo kéo, lừa gạt hoặc bắt chẹt giá tại một số điểm mua sắm ở TP.HCM. Nhưng xem ra lời cảnh báo này vẫn không có tác dụng khi khách hàng hoàn toàn chưa có kinh nghiệm.

Ông Andrew, du khách Úc cho biết: “Khi tôi gọi một ly cà phê họ không nói giá nhưng khi tính hóa đơn tôi phải trả 100.000 đồng. Về khách sạn, bạn tôi nói đó là mức giá quá cao. Điều này thực sự làm tôi không vui chút nào”.

‘ Du khách nước ngoài tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Anh Nguyễn Duy, hướng dẫn viên Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt chia sẻ: “Tôi đã dặn khách của mình về tình trạng chặt chém ở những điểm mua sắm tại TP.HCM, tuy nhiên, khách vẫn không thể tránh khỏi tình trạng chặt chém này. Có khi một món đồ có 5 mức giá khác nhau, mức chênh lệch đến cả 100 USD”.

Tình trạng chèo kéo, bắt chẹt khách hầu như diễn ra khắp mọi nơi. Nạn nhân bị lừa đảo, bị bắt chẹt không chỉ là khách nước ngoài mà ngay cả khách trong nước cũng không được tha.

Câu chuyện về bát phở 200.000 đồng ở Phủ Lý (Hà Nam), đĩa ốc 200.000 đồng ở Phủ Tây Hồ (Hà Nội), tôm miến vỉa hè 70.000 đồng ở TP.HCM hay 5 đĩa cơm trắng giá 1 triệu đồng ở Vũng Tàu... cũng chỉ là một vài ví dụ trong số hàng nghìn bằng chứng cho thấy căn bệnh trầm kha vốn đã có từ rất lâu khiến dư luận bức xúc.

Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông và Du lịch Việt cho biết: “Những đơn vị kinh doanh du lịch chuyên nghiệp rất bức xúc về tình trạng chặt chém, vô hình chung làm ảnh hưởng xấu tới ngành du lịch. Theo quan điểm của tôi có 2 vấn đề. Thứ nhất, những văn bản quy định chưa mang tính kiên quyết. Thứ hai, những đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn, điểm mua sắm kinh doanh theo kiểu tự phát”.

Không ít các doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu tỏ ra “ngán ngẩm” mỗi khi có khách hàng phản ánh về tình trạng lộn xộn tại các điểm đến. Nguy cơ khách du lịch quốc tế một đi không trở lại đang là mối đe dọa cho sự phát triển của ngành công nghiệp không khói, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của ngành kinh tế vốn được coi là mũi nhọn.

Ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VHTT&DL TP.HCM cho biết: “Nhiều thư phản ánh của du khách đối với một số chợ, một số địa điểm. Tất cả những việc xảy ra, chúng ta giải quyết ít có hiệu quả”.

Vẫn chưa có một con số thống kê cụ thể về các vụ việc liên quan tới khách của ngành du lịch. Chỉ bằng những thông tin phản ánh từ du khách cũng cho thấy, nhiều vết "rạn nứt” đã làm ảnh hưởng lớn đến diện mạo ngành du lịch.

Kiểu kinh doanh thiếu tính bền vững này được ví như một căn bệnh dai dẳng nhưng chưa được cơ quan chức năng nào sẵn sàng đứng ra nhận trách nhiệm để có biện pháp chữa trị từ bên trong. Với mong muốn dập tắt được đám khói trong ngành công nghiệp không khói này, chính quyền các cấp cần có một liều thuốc đủ mạnh.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước