Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong tái cơ cấu nền kinh tế

VTV News-Thứ năm, ngày 03/11/2016 18:14 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại phiên họp ngày 3/11 của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

VTV.vn - Các đại biểu Quốc hội đề cao yếu tố con người trong kế hoạch cơ cấu nền kinh tế, đồng thời nêu ra nhiều kiến nghị nhằm tận dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả.

Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong kế hoạch cơ cấu nền kinh tế. Đây là ý kiến chung của nhiều đại biểu tham gia thảo luận trong phiên họp diễn ra vào hôm nay (3/11) của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

Trong 20 năm qua, số lượng lao động của Việt Nam không ngừng gia tăng. Cụ thể, vào năm 1996, Việt Nam có 35 triệu lao động nhưng đến năm 2016 đã có 54 triệu lao động. Dự kiến đến năm 2035, lực lượng lao động Việt Nam sẽ chạm mốc 68 triệu người.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá nguồn lao động là tài sản vô cùng quý giá: "Tất cả các nước phát triển hiện nay đều đang trong quá trình giảm lao động vì tỷ lệ sinh thấp nên chúng ta sẽ có lợi thế về lao động trong 30 năm nữa. Lao động Việt Nam cần cù, sáng tạo và trình độ càng ngày được nâng cao. Đặc biệt, chi phí lao động càng ngày càng thấp. Nếu GDP của chúng ta chưa vượt ngưỡng 25.000 USD trong 30 năm tới thì chi phí lao động của chúng ta luôn có lợi thế cạnh tranh. Ở ngành cơ khí chế tạo máy, chi phí lao động tại Nhật Bản cao gấp chúng ta 29 lần, Singapore cao gấp chúng ta 20 lần. Vì vậy, chúng ta cần tận dụng nguồn tài nguyên quý giá nhất là con người. Phát huy yếu tố con người là ưu tiên số 1".

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng đề cao yếu tố con người trong kế hoạch cơ cấu nền kinh tế. Dù vậy, nước ta hiện nay vẫn chưa tận dụng hiệu quả yếu tố này: "Chúng ta nói nhiều về tái cơ cấu và quyết tâm, quyết liệt nhưng kết quả chưa được như mong muốn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về con người. Để triển khai thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế thì người thực hiện có vai trò quyết định. Trên thực tế, nguồn nhân lực của Việt Nam rất dồi dào nhưng chất lượng của chúng ta là chưa tốt".

"Chúng ta phải đặt câu hỏi, đào tạo nguồn nhân lực như thế nào, sử dụng nguồn nhân lực ra sao. Đặc biệt, quá trình đào tạo phải gắn với quá trình sử dụng. Trong vấn đề này, chúng ta còn nhiều hạn chế, bất cập và cần phải làm tốt hơn" - đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

Nguồn nhân lực - 'Nút thắt' lớn trong tái cơ cấu nền kinh tế Nguồn nhân lực - "Nút thắt" lớn trong tái cơ cấu nền kinh tế

VTV.vn - Theo một số ĐBQH, chất lượng nguồn nhân lực đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của đất nước với những nghịch lý còn tồn tại.

Về vấn đề năng suất lao động, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần phải phân biệt giữa năng suất lao động theo kỹ thuật và theo thu nhập để đánh giá đúng về lao động Việt Nam: "Nếu người công nhân Việt Nam đứng trước máy dệt như những nước khác thì năng suất về sản phẩm không thua các nước khác nhưng năng suất bằng tiền bao giờ cũng thấp hơn. Bởi lẽ trong năng suất bằng tiền có thu nhập của chủ doanh nghiệp và nhà máy nên lương công nhân Việt Nam thấp hơn hàng chục lần các nước khác. Do đó, năng suất bằng tiền thì chúng ta có thể thấp nhưng về năng suất kỹ thuật, chúng ta không hề thấp. Chúng ta trồng lúa, trồng điều, nuôi cá với năng suất hàng đầu thế giới nhưng người nông dân vẫn nghèo. Vì vậy, nếu đề cập tới vấn đề năng suất nên phân biệt giữa kỹ năng người lao động và đặc điểm tổ chức sản xuất của chúng ta".

Các đại biểu cũng nêu ra nhiều kiến nghị nhằm tận dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả, trong đó vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phải được chú trọng đặc biệt.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) phát biểu: "Với các chỉ tiêu Quốc hội giao, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đánh giá cụ thể, có khoa học, tránh tình trạng đào tạo nghề, việc làm, tỷ lệ thất nghiệp, giảm nghèo và lao động qua đào tạo đều đạt nhưng số lượng thất nghiệp nhất là đối với người có trình độ cao đẳng trở lên vẫn tăng cao. Đề nghị tái cơ cấu lại hệ thống trường nghề, đào tạo nghề phải gắn với thị trường lao động. Phát triển mô hình dạy nghề tại doanh nghiệp và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm kết nối cung cầu lao động".

Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nhấn mạnh, cần phải nỗ lực và đổi mới hơn nữa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước: "Đối với bậc đại học, cao đẳng, trung cấp nghề cần bám sát thị trường liên quan, quan tâm đào tạo nghề chất lượng cao, rèn giũa thói quen tận tụy, trách nhiệm, tôn trọng kỷ luật trong lao động, thái độ hòa nhã, thân thiện khi phục vụ nhân dân. Đối với cán bộ được đào tạo quản lý cần phải tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, cập nhật kiến thức mới, hiện đại hóa phương pháp đào tạo, bồi dưỡng".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước