Chiến dịch Điện Biên Phủ, đợt tiến công cuối cùng

Ngọc Hà -Chủ nhật, ngày 04/05/2014 21:42 GMT+7

Ngược trở lại thời gian của chiến trường Điện Biên Phủ 60 năm trước, đây là đợt tiến công thứ 3 cũng là đợt cuối cùng từ ngày 1 - 7/5/1954.

Cuộc tiến công này được chỉ đích danh là Tổng công kích bởi dù còn nhiêu gian khổ, cam go nhưng thắng lợi với Việt Minh, lúc này chỉ còn tính từng ngày.

Qua những câu chuyện mà các cựu chiến binh trực tiếp chiến đấu ở đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ - nơi diễn ra những trận chiến ác liệt nhất để giành phần thắng mang tính quyết định, chúng ta sẽ thấy rõ hơn cái khí thế hào sảng của những ngày cận kề chiến thắng.

Đồi A1 nằm trong cụm cứ điểm Eliane (theo cách gọi của người Pháp) hiện vẫn còn dấu tích của khối bộc phá nghìn cân mà tiếng nổ của nó lúc 20h ngày 6.5 là hiệu lệnh cho đợt Tổng tiến công cuối cùng. Một lớp xi măng trộn đất sét được sử dụng để giữ được gần như nguyên trạng những gì đã xảy ra của 60 năm về trước.

Các nhà làm phim “Điện Biên Phủ - Bản báo cáo mật” đã mô tả cuộc tình cảnh của quân Pháp những ngày đầu tháng 5 ở Điện Biên Phủ trước đợt tổng tiến công thứ 3 của Việt Minh như thế này: “Điện Biên Phủ chống đỡ lại rất nhiều bằng các cuộc không kích, kể từ cuộc tấn công đầu tiên của Việt Minh. Ngày 26/3, tất cả lực lượng của Pháp đã được huy động tới Điện Biên Phủ. Nước Mỹ cung cấp máy bay để cho lính Pháp sang Đông Dương. Cuộc tấn công mới nhất của Việt Minh diễn ra ngày 1/5. Tất cả các lực lượng của Pháp đều đã sẵn sàng. Những người lính xung phong nhày dù xuống lòng chảo. Những người không có kinh nghiệm với gió mùa ở vùng Tây Bắc Việt Nam, nhưng đã quá muộn. Trận địa đã bị mất”.

Ở lại Điện Biên sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, mỗi năm cứ vào dịp này, ông Phạm Bá Miều, Cựu chiến binh đánh Đồi A1, Chiến dịch Điện Biên Phủ, lại lên đồi A1 - nơi đã gắn bó với ông một thời chiến trận. Trong bộ quân phục bạc màu, ông đến đây để nhớ về đồng trong một trận chiến bi hùng nhất của dân tộc mà thế hệ ông đã đi qua.

Ông Phạm Bá Miều kể lại: “Chúng tôi gói nhỏ một tấn bộc phá mỗi túi 1kg, đào hầm để đưa 1 tấn bộc phá không dễ dàng đâu. Chúng tôi đưa giao thông hào đến tận chân đồi A1 này rồi mới có hầm để mà đưa tấn bộc phá vào. Chúng tôi không kể gì giờ giấc, có khi không kể gì đến ăn nữa, có khi bạn mình hy sinh thì mình phải chiến đấu thay cho bạn mình. Bản thân chúng tôi gắp mảnh đạn ở chân ra rồi đi bệnh viện có 2 ngày rồi trở lại chiến đấu. Có đồng chí chân tay băng bó rồi trực tiếp chiến đấu luôn. Tinh thần quyết chiến và quyết thắng hăng say lắm”.

Đầu tháng 5/1954, quân Pháp chỉ còn giữ một ô vuông mỗi cạnh 1km ở lòng chảo Điện Biên Phủ. Ô vuông này được bảo vệ bởi cứ điểm Eliane nằm ở phía Đông cánh đồng Mường Thanh. Eliane hay A1 được ví như chiếc chìa khóa, bên nào mở được Eliane thì sẽ làm chủ thung lũng này.

Thiếu tướng Nguyễn Dũng Chi, trực tiếp chiến đấu ở A1 trong cuộc tấn công cuối cùng, khi đó ông là Tiểu đoàn trưởng thọc mũi dùi cắt rời A1 khỏi Mường Thanh nhớ lại 60 năm trước đây ông ra trận đầy hứng khởi.

Thiếu tướng Dũng Chi nói: “Chúng tôi xuất quân giữa ban ngày. 3h chiều chúng tôi đi, đến 5h chiều đã thấy A1. Đến tối 8h30 bắt đầu tấn công. Lệnh nghe tiếng nổ của quả bộc phá 1 tấn. Đến khoảng 4h giờ sáng xong A1, trời bắt đầu mờ mờ sáng. Mường Thanh mùa hè sáng sớm lắm”.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nói: “Việc chúng ta bí mật đào hào, đặt khối bộc phá 1.000 cân nổ tung đỉnh đồi A1 nói lên điều gì? Trong khi chúng ta tổn thất nhiều như vậy nhưng chúng ta không hoang mang, không dao động, vẫn quyết tâm làm thế nào tiêu diệt cho được kẻ thù, giành được thắng lợi. Thắng lợi ở A1 có ý nghĩa quyết định trong toàn bộ trận đánh Điện Biên Phủ”.

Ở thời điểm đó, cả người Pháp và người Mỹ cũng đã không thể dự đoán được sự thua trận của Tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ sẽ làm thay đổi cục diện thế giới nhiều năm sau này như thế nào.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước