Chính phủ họp phiên chuyên đề xây dựng Pháp luật

Đăng Học-Thứ sáu, ngày 21/03/2014 20:42 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì và phát biểu ý kiến tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật. (Ảnh: TTXVN)

Trong hai ngày (20 và 21/3), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về xây dựng Pháp luật.

Tại phiên họp này, Chính phủ tập trung đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật pháp lệnh; tình hình soạn thảo, trình các dự án Luât, pháp lệnh của Chính phủ, các bộ, ngành và cho ý kiến vào 7 dự án luật nằm trong kế hoạch xây dựng pháp luật quý I năm 2014.

Báo cáo của Bộ Tư pháp tại phiên họp cho thấy, trong quý I năm nay, đã có một dự án luật được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Luật căn cước công dân, một dự án được Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 2 vừa qua và 7 dự án sẽ được Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề này.

Bộ Tư pháp cũng trình bày trước Chính phủ tờ trình về các định hướng lớn xây dựng dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các thành viên Chính phủ bày tỏ đồng tình đối với các định hướng đưa ra, theo đó, dự Luật không chỉ quy định về việc ban hành mà quy định cả về thi hành văn bản quy phạm pháp luật, từ đó góp phần giảm hình thức các loại văn bản, tăng cường công tác kiểm soát cũng như tính dân chủ, công khai và phát huy trách nhiệm công dân trong xây dựng và thi hành pháp luật, đảm bảo cho hệ thống pháp luật được đơn giản, dễ tiếp cận, dễ thi hành. Các ý kiến cũng thống nhất việc đề nghị Quốc hội không ban hành chương trình xây dựng luât, pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ mà chỉ ban hành nghị quyết về định hướng xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tầm quan trọng của công tác xây dựng Luật, pháp lệnh; yêu cầu các Bộ trưởng tập trung chỉ đạo làm tốt công tác này để nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước. Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy phạm chi tiết thi để Luật, pháp lệnh sau khi có hiệu lực thực sự đi vào cuộc sống. Về vấn đề chất lượng của các dự án luật, Thủ tướng lưu ý chỉ nên quy định chi tiết trong dự án luật về các vấn đề đã được xác minh cụ thể từ thực tiễn, còn những vấn đề chưa rõ nên giao cho Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, đây là một trong những yếu tố để kéo dài thời gian có hiệu lực của các luật. Về tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật pháp lệnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng mặc dù đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn 70/90 văn bản của các Bộ và Chính phủ còn nợ đọng, đây là vấn đề cần sớm khắc phục và phải có chuyển biến tốt hơn trong công tác này ngay từ quý II năm nay. Liên quan đến các định hướng lớn xây dựng dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ làm cơ sở hoàn thiện dự Luật, trong đó cần làm rõ thẩm quyền của cơ quan, cá nhân ban hành văn bản theo hướng giao quyền đi liền với giám sát thực thi và chịu trách nhiệm đến cùng đối với các quy định trong văn bản được ban hành.

Một trong những dự luật được quan tâm thảo luận là Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược. Với yêu cầu Nhà nước phải quản lý giá, chất lượng và chủng loại thuốc; quyền lợi của người bệnh phải là hàng đầu, dự thảo đề xuất lập Hội đồng quốc gia quản lý giá thuốc cũng như những quy định về cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm về vấn đề này. Cho ý kiến trong phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, dứt khoát Nhà nước phải quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc, chủng loại, đồng thời phải có cơ chế, cách thức quản lý hiệu quả, có người quản lý chịu trách nhiệm chính đồng thời cũng phải có người kiểm tra. Thủ tướng nêu rõ theo quy định của Luật Giá hiện hành, Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm về giá nói chung. Bộ chuyên ngành quản lý giá cụ thể. Để bảo đảm khách quan, minh bạch thì đề xuất lập Hội đồng quốc gia quản lý giá thuốc là cần thiết. Thủ tướng cho rằng một thực tế hiện nay là giá thuốc ở Việt Nam còn rất cao, do đó bên cạnh việc quản lý giá thuốc theo pháp luật thì các Bộ, ngành phải phối hợp để quản lý chặt chẽ giá thuốc chữa bệnh và kéo giá thuốc xuống.

Cũng trong phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã nghe và cho ý kiến vào Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào đầu tư sản xuất, kinh doanh; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án Dân sự; Luật Công an Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước