Chính phủ họp thường kỳ tháng 9: Cần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Trung Kiên (Thời sự - thoisuvtv@vtv.vn)-Thứ hai, ngày 29/09/2014 15:14 GMT+7

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9/2014. Ảnh VGP

Sáng 29/9, Chính phủ đã tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 9 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay.

Phiên họp này diễn ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước của tháng này cao hơn so với mức dự báo từ tháng trước. Tuy nhiên, Chính phủ cũng hết sức quan tâm tới những giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước chín tháng đầu năm ước đạt 5,62%, cao hơn 0,08% so với dự kiến từ tháng trước và cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ của hai năm gần đây. Đó là nhờ cả khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đều tăng từ 3% đến gần 6,5%. Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, chủ yếu là do không tiêu thụ được sản phẩm.

Từ tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ phân tích rõ từ nay đến cuối năm Chính phủ cần phải có giải pháp gì để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh, dù mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay đã đạt gần 7%, nhưng từ nay đến cuối năm cần phải có giải pháp gì để đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 12%-14%.

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống tài chính và ngân hàng gắn với giải quyết nợ xấu đã đạt được đến đâu; đồng thời Chính phủ cần làm gì để đẩy mạnh tiến trình này cũng phải được nêu rõ, không thể nói Chính phủ chỉ nói mà không làm trong lĩnh vực tái cơ cấu nền kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, đến nay, đa số 4.200 doanh nghiệp được cổ phần hoá đều hoạt động tốt. Điều này cho thấy, cổ phần hoá chính là tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp. Do vậy, các thành viên Chính phủ cũng phải thảo luận để đẩy mạnh tiến trình này.

Tương tự như vậy, đối với việc tiến hành 3 khâu đột phá chiến lược là cải cách hành chính, phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng cần phải được phân tích rõ, những việc gì đã làm được và những yếu kém tồn tại để quyết tâm thực hiện, giống như Chính phủ đang thực hiện cải cách trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm và đăng ký doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các thành viên Chính phủ cần phân tích nguyên nhân: tại sao năng suất lao động của Việt Nam lại được Tổ chức lao động quốc tế đánh giá là thấp nhất châu Á? Đồng thời Việt Nam phải có cải cách gì để nâng cao năng suất lao động nếu số liệu này là chính xác.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các Bộ liên quan cần phải đi sâu phân tích để tìm ra nguyên nhân: tại sao Việt Nam chưa thể cạnh tranh về du lịch với các nước trong khu vực? trong khi tiềm năng ở lĩnh vực này của Việt Nam không hề thua kém. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đưa ra giải pháp để đơn giản hoá thủ tục nhập cảnh, cũng như khả năng mở cửa thị trường hàng không để tạo thuận lợi cho khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư và năng suất lao động đều là những vấn đề hết sức quan trọng. Do vậy, tất cả các Bộ, ngành phải nỗ lực hết sức mình nhằm giải quyết được sớm những vấn đề này nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước