Cho thuê vỉa hè: "Không khéo sẽ thành nông thôn hóa đô thị"

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 28/03/2017 09:53 GMT+7

VTV.vn - Về đề xuất cho thuê vỉa hè, TS. Trần Du Lịch chia sẻ trên báo Giao thông: "Không khéo đến một lúc nào đó lại thành nông thôn hóa đô thị".

Tiến sĩ kinh tế Lương Hoài Nam đã đưa ra một đề xuất rất "nóng" mà nhiều người phải giật mình ngẫm nghĩ: "Cái vỉa hè mà chúng ta vẫn hay đi bộ, có nên đem cho người dân thuê hay không?".

Trong buổi tọa đàm về "Vỉa hè, chống ùn tắc và trách nhiệm công dân" diễn ra cách đây ít ngày, trên báo Tuổi trẻ, TS. Lương Hoài Nam nhận định, vỉa hè trị giá cả tỷ đồng, nếu Nhà nước không quản, thì ai? Vỉa hè để như vậy, có phải đang rất lãng phí không? Với giá trị "khủng" như thế, nếu cơ quan quản lý buông lỏng sẽ có người sẵn sàng lấn chiếm và có lực lượng bảo kê.

Hiện nay, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ quy định công năng vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ. Do đó, TS. Lương Hoài Nam cũng đề xuất sửa luật và cho người dân có nhu cầu thuê vỉa hè. Người dân chỉ phải trả một lần và không mất phí cho bất kì ai khác. Họ có trách nhiệm quản lý phần vỉa hè theo quy định.

Tuy nhiên, trước đề xuất của ông Nam, nhiều người đặt ra tình huống: Tôi có nhà mặt phố, có vỉa hè đi. Nếu người khác thuê vỉa hè trước nhà tôi thì họ sẽ được quyền kinh doanh trước cửa nhà tôi? Thậm chí nếu tôi dắt xe ra vào còn phải xin phép họ hay sao?

Tình huống trên đã cho thấy một số bất cập của đề xuất này. Trên báo Giao thông, TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, không nên xem vỉa hè như một nơi kinh doanh buôn bán. Bởi vì lâu nay, kinh doanh dựa vào vỉa hè đã kích thích một bộ phận lớn dân nhập cư đổ về các đô thị kiếm sống.

Ngoài ra, ông Lịch cũng cho hay, nếu xem lòng, lề đường như một loại kinh tế để phục vụ cho bộ phận dân cư nào đó thì chúng ta không còn là đô thị và bất công với người dân đô thị. Không khéo đến một lúc nào đó lại thành nông thôn hóa đô thị. Bởi vậy, chính quyền, đoàn thể hay bất cứ đơn vị nào cũng không nên đặt mục tiêu cho thuê vỉa hè để lấy tiền; đừng hiểu kinh tế vỉa hè theo nghĩa biến vỉa hè thành nơi kinh doanh.

Câu chuyện trên cho thấy, kinh doanh vỉa hè cũng là một đề xuất hay nhưng phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng tại các tuyến phố thích hợp, cũng như là loại mặt hàng nào được phép kinh doanh.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước