Chủ cơ sở kinh doanh Karaoke lo ngại "phá sản" vì phí tác quyền 2.000 đồng/bài

Minh Đức-Thứ hai, ngày 17/04/2017 06:00 GMT+7

VTV.vn - Trước thông tin Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam sẽ thu phí tác quyền 2.000 đồng/bài, nhiều chủ quán karaoke tỏ ra lo lắng vì e sợ việc thu phí ảnh hưởng đến doanh thu

Trước thông tin các cơ sở kinh doanh Karaoke sẽ phải đóng thêm khoản phí tác quyền là 2.000 đồng/bài.đầu máy cho thời hạn 1 năm, rất nhiều chủ quán karaoke đã tỏ ra khá lo lắng vì lo ngại việc đóng phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và hoạt động của quán.

Anh Nguyễn Văn Thành, quản lý quán Karaoke trên đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh biết thông tin Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam sẽ tiến hành thu phí tác quyền từ cuối năm 2016. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng anh vẫn rất lo lắng khi biết phí tác quyền sẽ là 2.000 đồng/bài/đầu máy trong thời hạn 1 năm.

Theo anh Thành, quán của anh có đến gần 10 đầu máy, nếu làm một bài toán nhỏ thì sẽ thấy số tiền phí tác quyền phải đóng là khá lớn: "Giả sử như quán của tôi có 10 đầu máy. Số tiền nhân lên sẽ không hề nhỏ. Mỗi đầu máy có chứa khoảng 10.000 bài, theo như công bố của RIAV thì sẽ chỉ có khoảng 3.000 - 5.000 bài thuộc quản lý của hiệp hội được thu phí. Nếu nhân lên thì mỗi đầu máy sẽ phải trả trung bình 8 triệu mỗi năm, nhân lên 10 đầu máy thì sẽ là khoảng 80 triệu đồng/năm". Những quán nhỏ khoảng 3, 4 đầu máy cũng có thể phải trả chi phí vào khoảng 20 - 30 triệu đồng/năm.

"Gần 100 triệu mỗi năm dùng để chi trả tiền tác quyền, đây là số tiền không hề nhỏ, thậm chí còn bằng lương của 1 người lao động trong một năm trời. Việc đóng phí nếu đúng luật, hợp lý thì tôi sẵn sàng đóng, nhưng quả thực nếu đóng thì sẽ rất ảnh hưởng đến doanh thu của quán. Mỗi ngày, quán karaoke có rất nhiều thứ để chi trả như tiền điện, tiền nước, thuê nhà, lương nhân viên,..." - anh Thành chia sẻ.

Cùng lo lắng với anh Thành, anh Nguyễn Bá Khương - chủ một quán Karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, anh đã rất lo ngại việc thu phí sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu hàng năm của quán.

"Nếu muốn kiếm lại lãi thì chúng tôi có thể sẽ phải tăng phí dịch vụ tại quán. Như vậy mặc dù có thể bù lại được nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thu hút khách hàng vì kinh doanh Karaoke cạnh tranh rất khốc liệt, nếu không cẩn thận còn có thể bị phá sản" - anh Khương cho hay, anh đã đọc rất nhiều bài báo và nghiên cứu kỹ về các luật mà Hiệp hội RIAV đưa ra để làm cơ sở thu phí. Sau khi tìm hiểu, anh sẵn sàng trả phí tác quyền theo đúng luật nhưng anh cũng rất hi vọng số tiền tác quyền sẽ được sử dụng đúng mục đích và minh bạch.

"Tôi đồng ý với việc đóng phí tác quyền vì đây là đúng luật. Nhưng thực tế chúng tôi vẫn còn cảm thấy rất mơ hồ trong việc đóng phí, ví dụ như cơ quan nào tiến hành thu phí, lộ trình thu phí cụ thể ra sao, việc kiểm tra bài hát trên các đầu máy để xác định các bài hát thuộc quyền quản lý RIAV như thế nào, làm sao để đảm bảo được tính minh bạch? Chúng tôi đồng ý đóng phí đầy đủ, nhưng nếu có những quán không chịu đóng phí thì sẽ bị xử lý thế nào để đảm bào công bằng" - Anh Khương cho hay.

Chủ cơ sở kinh doanh Karaoke lo ngại phá sản vì phí tác quyền 2.000 đồng/bài - Ảnh 1.

Nhiều chủ quán Karaoke tỏ ra khá lo lắng trước việc RIAV tiến hành thu phí tác quyền (Ảnh minh họa)

Thực tế, vẫn đang có rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke vẫn chưa hiểu rõ được việc thu phí tác quyền mang lại lợi ích gì, chưa thật sự hiểu rõ quyền liên quan trong công tác thu phí tác quyền.

Trước những thắc mắc, lo lắng trên của các chủ trung tâm karaoke, ông Hoàng Anh Dũng - PGĐ Trung tâm Cấp phép và quản lý quyền (RIAV) cho biết, hiệp hội đang thực hiện công tác thu phí tác quyền theo lộ trình cụ thể. Đối với nỗi lo lắng trong việc thu phí minh bạch số lượng bài hát, ông Dũng cho biết, mỗi nhà sản xuất đầu máy Karaoke đều liên hệ RIAV để đăng ký bài hát nên có được danh mục bài trên từng đầu máy theo hương hiệu. Những bài hát thu phí sẽ được chiếu theo danh mục này, chính xác mới thu và sẽ có sự kiểm chứng của cả bên chủ cơ sở kinh doanh Karaoke để đảm bảo minh bạch.

Ông Dũng cho biết: "Đầu quý III năm 2017, chúng tôi mới tiến hành thu phí. Hiện mọi công tác mới chỉ là tuyên truyền, truyền thông cho các chủ trung tâm Karaoke hiểu thế nào là quyền liên quan, quyền và nghĩ vụ đóng phí tác quyền. Mặc dù những bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng sau khi giải thích rõ, các chủ trung tâm Karaoke cũng đã hiểu và có phản hồi tốt".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước