Chủ tịch nước làm việc tại Thành phố Osaka

Hồng Phúc -Thứ tư, ngày 19/03/2014 16:26 GMT+7

Chiều 19/3, Chủ tịch nước, Phu nhân và Đoàn đại biểu Việt Nam đã đến thành phố Osaka, trung tâm công nghiệp, cảng biển và là trái tim vùng đô thị Kansai, Nhật Bản.

Vùng đô thị Kansai có GDP xấp xỉ 1.000 tỷ USD, bao gồm 10 tỉnh, trong đó có thành phố Osaka. Đây là khu vực tiên phong trong đầu tư và trao đổi thương mại với Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 35% trong tổng đầu tư và thương mại của Nhật Bản tại Việt Nam.

Tại Osaka, Chủ tịch nước đã có cuộc gặp gỡ với tổ chức Kankeiren, một liên minh kinh tế của vùng Kansai. Chủ đề của cuộc gặp gỡ xoay quanh doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản và làn sóng đầu tư sang Việt Nam. Hiện nay tại khu vực Kansai đang có một thực tế là có hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang khó hoạt động do chi phí đầu tư, chính sách thuế quá cao, đây là các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực chế tạo. Việt Nam được biết đến là điểm đến phù hợp do nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế và những chính sách thu hút đầu tư mới được công bố.

Tại cuộc gặp, các doanh nghiệp đưa ra nhiều câu hỏi cũng như đề xuất các sáng kiến nhằm hỗ trợ Việt Nam tiếp tục điều chỉnh chính sách, đón nhận làn sóng đầu tư tư khu vực Kansai, trong đó có các vấn đề liên quan đến hạ tầng cơ sở, chính sách kết hợp công - tư PPP…

Chủ tịch nước hoan nghênh sự quan tâm của các doanh nghiệp vùng Kansai và cho biết, các vấn đề nêu ra đang được Chính phủ và các Bộ ngành Việt Nam giải quyết. Giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam có một tiền đề thuận lợi là sự chân thành, lắng nghe lẫn nhau, hoàn thiện các cơ chế, thể chế nhanh chóng cũng là mong muốn của Việt Nam. Chủ tịch nước đề nghị, với thế mạnh của mình, Kansai và Osaka có thể hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực.

‘ Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam ra đón Chủ tịch nước tại sân bay Kansai (Osaka). Ảnh: TT

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Nhật Bản - Việt Nam vùng Kansai, với chủ đề Doanh nghiệp nhỏ và vừa và công nghiệp hỗ trợ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, để tiến hành công nghiệp hóa thành công, một trong những nhiệm vụ chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với Việt Nam là phát triển mạnh nền công nghiệp hỗ trợ để gia tăng giá trị trong nước của sản phẩm, vươn lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu phù hợp với lợi thế so sánh và thế mạnh của nguồn nhân lực Việt Nam.

Việt Nam mong muốn Nhật Bản, đối tác chiến lược và bạn bè tin cậy, tăng cường hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam đánh giá rất cao tri thức và kinh nghiệm phát triển công nghiệp của Nhật Bản đối với phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Để có được ngành công nghiệp hỗ trợ hoạt động hiệu quả, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam cần một lộ trình rõ ràng, phát triển đồng bộ 4 yếu tố gồm nguồn nhân lực, công nghệ, tài chính và sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế.

Chủ tịch nước cũng cho biết, Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam đang triển khai Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, với định hướng phát triển 6 ngành ưu tiên là điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông - thủy sản, đóng tàu, môi trường, tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Việt Nam rất mong những cam kết hợp tác này của Chính phủ hai nước sẽ được hiện thực hóa bằng các chương trình, dự án đầu tư cụ thể, thiết thực của các tập đoàn công nghiệp lớn Nhật Bản cùng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản tại Việt Nam.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, hiện nay có hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản hoạt động trong ngành chế tạo vẫn chưa có hoạt động đầu tư ra nước ngoài và rất nhiều trong số này đã có quan tâm và tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Việc thu hút được các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp của hai nước.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước