Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp các đại sứ trình quốc thư

Quỳnh Trang-Thứ tư, ngày 17/09/2014 19:48 GMT+7

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Đại sứ các nước đến trình Quốc thư nhận nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Sáng nay (17/9), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Đại sứ các nước Sierra Leone, Iceland, Tunisia, Tanzania, Guatemala, Gruzia, Mali đến trình Quốc thư nhận nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Chủ tịch nước chào mừng các đại sứ đến nhận nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, mong muốn trong nhiệm kỳ của mình, các đại sứ sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

Tiếp Đại sứ Sierra Leone, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam rất coi trọng quan hệ với các nước châu Phi, trong đó có Sierra Leone, trên tinh thần hữu nghị và hợp tác. Chia sẻ sâu sắc trước tình hình đại dịch Ebola ở nước này, trong khả năng của mình, Việt Nam sẽ xem xét hỗ trợ Sierra Leone đối phó với nạn đói và đại dịch Ebola. Chủ tịch nước cũng cho rằng, để thúc đẩy hợp tác song phương, hai bên cần rà soát các lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp, y tế... để đẩy mạnh hợp tác. Đại sứ Victor Bockariefoh mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ để nước này, trong đó cấp thiết là hỗ trợ lương thực, bởi Sierra Leone hiện sản xuất nông nghiệp còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong nước.

Tiếp Đại sứ Iceland, Stefan Skjaldarson, cảm ơn sự ủng hộ của Iceland đã dành cho Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, trong đó có cá nhân đại sứ, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn thắt chặt quan hệ với bạn bè đã hỗ trợ Việt Nam. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Việt Nam và Iceland xây dựng những mô hình hợp tác hiệu quả dựa trên tiềm năng của hai nước.

Đại sứ Stefan Skjaldarson khẳng định trong nhiệm kỳ của mình, ông sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại và hợp tác giáo dục.

Tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Tunisia Tarek Amri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của Tunisia đối với việc đưa các lao động Việt Nam ra khỏi Libya khi nước này rơi vào tình trạng bất ổn.

Chủ tịch nước đề nghị hai bên sớm tổ chức họp Ủy ban liên Chính phủ vào năm sau để rà soát lại những việc đang làm và ký kết thêm hiệp định mới nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. Đại sứ Tarek Amri khẳng định, Tunisia mong muốn là đối tác quan trọng của Việt Nam không chỉ song phương mà còn trên cả các diễn đàn đa phương, Tunisia sẵn sàng là cầu nối để Việt Nam mở rộng hợp tác hơn nữa với khu vực châu Phi.

Tiếp Đại sứ Tanzania Abdunrahaman Amiri Simbo, Chủ tịch nước nhấn mạnh, mối quan hệ truyền thống hữu nghị được xây dựng trong 50 năm qua và cho rằng hai bên có rất nhiều tiềm năng hợp tác như nông nghiệp, viễn thông... do vậy hai bên cần rà soát lại hiệp định đã ký kết, đồng thời tìm kiếm đối tác thứ ba để thúc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Chủ tịch nước tin tưởng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Tanzania sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Tiếp Đại sứ Cộng hòa Guatemala, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác truyền thống với Guatemala cũng như với các nước khu vực Caribbean và vùng Mỹ Latin. Việt Nam sẵn sàng là cánh cửa để Guatemala mở rộng hơn nữa hợp tác song phương với khu vực ASEAN. Đại sứ Gustavo Calderon cho biết, Guatemala ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn đa phương, cũng như ủng hộ Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Gruzia David Aptsiauri, Chủ tịch nước chúc mừng Gruzia đang từng bước ổn định và phát triển, mong muốn đại sứ sẽ cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống giữa hai nước.

Đại sứ David Aptsiauri cho rằng với vị trí vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực, Gruzia mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với Việt Nam, cũng như tham khảo những mô hình kinh tế xã hội của Việt Nam đang thực hiện.

Tại cuộc tiếp Đại sứ Cộng hòa Mali, Lansina Buah Kone, Chủ tịch nước đề nghị Mali ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Ecosoc và ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, đồng thời công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Ghi nhận cơ chế hợp tác ba bên hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch nước mong muốn hai bên tiếp tục tìm ra nguồn tài trợ mới để duy trì hợp tác. Nhất trí với gợi mở của Chủ tịch nước, Đại sứ Lansina Buah Kone cho rằng, Mali hiện vẫn chưa chủ động được lương thực, do đó việc Việt Nam hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm về nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với Mali.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước