Chuyện chọn ngành, chọn trường

Nguyễn Ngân-Thứ ba, ngày 08/03/2011 12:00 GMT+7

Chỉ còn vài ngày nữa, các sĩ tử sẽ bắt đầu chọn ngành học cho kỳ tuyển sinh ĐH- CĐ. Trước đó, nhiều trường ĐH đã công bố đổi tên một loạt ngành đào tạo, nhưng thực tế thì nội dung giảng dạy không mấy thay đổi, mà thực chất chỉ là làm mới tên gọi để thu hút thí sinh.

Ở những mùa tuyển sinh trước, nhiều ngành học có chất lượng, có nhiều cơ hội việc làm khi ra trường nhưng vẫn phải chật vật để có đủ sinh viên. Bên cạnh câu chuyện về tên ngành “xấu” trở nên... đẹp hơn, thì thêm một lần, chúng ta có cơ hội nhìn lại tâm lý chọn trường, chọn ngành đào tạo của nhiều phụ huynh và học sinh hiện nay.

Tên gọi Khoa Cơ khí Chuyên dùng của trường ĐH GTVT Hà Nội sẽ không còn trong năm học sau, thay thế vào đó là tên mới: Khoa Kĩ thuật cơ khí. Trong năm học này, 6 ngành học khác của trường cũng được đổi tên. Tên ngành mới đều có tính quốc tế, có tầm vĩ mô và "thị trường" hơn.

Chu Mạnh Sơn là sinh viên năm 2 khoa Cơ khí chuyên dùng. Khi đăng ký học ngành này, em không biết sẽ được đào tạo những gì và sau này ra trường làm công việc gì.

Sinh viên Chu Mạnh Sơn, Lớp cơ điện tử K49 - Khoa Cơ khí Chuyên dùng - ĐH Giao thông Vận tải cho biết: “Em chỉ biết ngành đấy chung chung lắm. Ra trường sẽ làm được rất nhiều công việc chứ không cụ thể là việc gì”.

Trường THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên vài năm gần đây, đa số học sinh đều có xu hướng chọn khối ngành kinh tế vì cho rằng, có nhiều cơ hội việc làm khi ra trường. Ngược lại, các khối ngành truyền thống vẫn bị thí sinh kén chọn, do tên ngành khó hiểu, sợ không xin được việc làm khi ra trường.

Em Trần Thúy Hằng, Lớp 12 Toán - Tin - Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc Gia Hà Nội: “Em rất băn khoăn vì không biết sức mình đến như thế nào. Nếu tên trường "hot" mà mọi người thích, thì em cũng muốn tham gia”.

Chọn trường, chọn ngành theo cảm tính, qua tên gọi là tâm lý phổ biến ở nhiều học sinh và phụ huynh. Không quan tâm hoặc không có điều kiện tìm hiểu thông tin về ngành, nghề đào tạo, tình trạng thí sinh đổ xô vào đăng ký ở một số trường, một số ngành top đầu vẫn đang diễn ra ở nhiều mùa tuyển sinh.

Thầy Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Lời khuyên tốt nhất với các em hiện nay: Đã đến lúc mà sở thích của mỗi người, mong muốn của người ta về vật chất, mong muốn về công việc khi xã hội phát triển, cả 3 cái đấy sẽ phải hòa làm một với nhau”.

Thực tế đáng lo ngại về chuyện mất cân đối trong tỉ lệ thí sinh đăng kí vào các trường, ngành học. Ở nhiều trường, những ngành luôn thiếu chỉ tiêu trong vài mùa tuyển sinh gần đây, kỳ vọng sau khi đổi tên sẽ hấp dẫn thí sinh.

TS.Phan Mạnh Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục - Đào tạo): Chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đào tạo của môn học đó, nội dung chương trình đào tạo của môn học đó, có thời lượng như thế nào, nội dung chuyên môn đào tạo thích ứng với thị trường lao động như thế nào. Khi chọn trường nào đó thì gia đình phải định hướng cho học sinh, tương lai sẽ làm việc gì, ở đâu, năng lực như thế nào. Nhiều khi dù có mơ ước nhưng nếu năng lực không có thì việc học tập sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Chọn trường theo sở thích của bản thân, gia đình, theo tên gọi - hay chọn trường theo lực học và nhu cầu nhân lực ở từng ngành đào tạo. Việc đổi tên chỉ là một giải pháp. Kịp thời tư vấn cho học sinh qua những buổi hướng nghiệp sẽ phần nào giúp các em đủ vững tin và sáng suốt đặt bút quyết định con đường quan trọng phía trước của mình.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước