Có hay không sự lơ là của cơ quan an ninh tại BV Nhân dân TP.HCM?

Minh Xuân-Thứ năm, ngày 26/09/2013 22:18 GMT+7

Vụ việc côn đồ gây náo loạn tại BV Nhân dân Gia Định, ngày 22/9 đã khiến dư luận hết sức lo ngại về sự an toàn của người dân cũng như hiệu quả của công tác an ninh trên địa bàn. Vậy, có hay không sự lơ là trong công tác an ninh của các cơ quan chức năng?

Vụ việc một nhóm người vào tận phòng cấp cứu của bệnh viện Nhân dân Gia Định để gây rối vào ngày 22/9 vẫn còn gây nhiều hoang mang cho người dân. Sự việc không để lại hậu quả nào đáng tiếc, và cơ quan chức năng cho biết đang củng cố hồ sơ để chuyển lên công an TP.HCM. Tuy nhiên, đằng sau đó, nhiều vấn đề được đặt ra trong việc bảo đảm an toàn trong bệnh viện vốn là cơ quan y tế, liên quan đến vấn đề sức khỏe và mạng sống người dân.

‘ Hình ảnh tại Khoa Cấp cứu bệnh viện Nhân dân Gia Định. (Ảnh: VTV News)

Hai ngày sau vụ gây rối tại Khoa Cấp cứu bệnh viện Nhân dân Gia Định, các bác sĩ tại bệnh viện vẫn còn chưa hết hãi hùng. Những người mặc áo blouse trắng túc trực trong khu vực căng thẳng nhất của bệnh viện là phòng cấp cứu, giờ đây đối mặt thêm một nỗi lo mới, bên cạnh áp lực công việc.

Bác sĩ Nguyễn Đức Trí, PGĐ bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: “Sự việc rất nghiêm trọng khi mặc dù chúng tôi là cơ quan y tế, chỉ làm công tác chuyên môn và không liên quan đến nhưng vấn đề khác, nhưng hai nhóm côn đồ đã rất manh động khi họ còn định không cho chúng tôi cứu chữa người bệnh. Số lượng đông và có mang theo hung khí là dao và mã tấu”.

Với những người trong cuộc, sự việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của thầy thuốc và quan trọng hơn là của bệnh nhân. Phòng cấp cứu của bệnh viện đã phải dừng hoạt động 3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, thượng tá Nguyễn Việt Thái, phó trưởng công an quận Bình Thạnh lại cho rằng, sự việc không nghiêm trọng như vậy. Phía cơ quan an ninh cũng khẳng định, vì việc có mặt kịp thời, nên hậu quả đã không lớn.

Thượng tá Nguyễn Việt Thái cho biết: “Tôi có thể khẳng định rằng từ lúc nhận tin báo qua tổng đài tới lúc lực lượng chúng tôi có mặt chưa tới 5 phút. Do đó, những bài báo cho rằng chúng tôi đến muộn là không đúng. Bên cạnh đó, tính chất vụ việc theo báo đăng là cầm hung khí đi lùng sục, hăm dọa chém giết bác sĩ là không chính xác. Tôi có thể khẳng định rằng, lúc đó ở phòng cấp cứu không có người nào đem theo hung khí”.

Không khó để thấy sự bất nhất trong khẳng định giữa các y bác sĩ, cùng những nhân chứng – những người trực tiếp bị uy hiếp tinh thần so với lực lượng chức năng. Dư luận vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được giải đáp liên quan đến sự việc vừa qua. Vì sao lực lượng chức năng có mặt kịp thời tại hiện trường, nhưng lại để gián đoạn công việc tại khoa cấp cứu đến 3 tiếng đồng hồ? Có hay không chuyện lúc đầu chỉ có một vài công an phường đến hiện trường, không thể giải tán đám đông nên sau đó mới điều động thêm lực lượng hỗ trợ?

Đây không phải là lần đầu bệnh viện bị tấn công, gây náo loạn. Nhưng xem ra, hiệu quả của công tác đảm bảo an ninh được đảm bảo đến mức nào thì mỗi người, mỗi bên liên quan đều đã có câu trả lời. Nhìn lại sự việc vừa qua không phải để chê trách hay phê phán, mà nhìn lại để cùng có giải pháp cho những sự việc tương tự có thể xảy ra. Vì 3 tiếng hồng hồ ở phòng cấp cứu có lẽ không thể đong đếm được giá trị.

Để xác định tính xác thực của sự việc, mời quý vị và các bạn theo dõi Video phóng sự:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước