Con đường thơ mộng nhất Việt Nam có nguy cơ bị xóa sổ

Tấn Hiền-Thứ bảy, ngày 13/04/2013 14:47 GMT+7

Ảnh: Lao động

 Quốc lộ 14, đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Lắk một thời được xem là con đường thơ mộng nhất trên cả nước. Thế nhưng, con đường thơ mộng đó có lẽ sẽ chỉ còn trong ký ức bởi thảm thông xanh kia đang bị bức tử từng ngày và có nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn.

Xơ xác, hoang tàn có lẽ là cụm từ đúng nhất để mô tả thực trạng của rừng thông gần 30 năm tuổi thuộc địa bàn xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk lúc này. Đây cũng chỉ là một điểm trong vô vàn những điểm phá rừng trải dài suốt 30 km dọc từ huyện Krông Búk đến huyện EaHleo. Điều đáng nói là tình trạng phá rừng diễn ra gần như công khai suốt hơn 10 năm qua nhưng chính quyền sở tại đã bất lực.

Ông Y Thanh Ayun, Chủ tịch xã Cư Né, Krông Búk, Đắk Lắk nói: “Chúng tôi rất là xót vì bao nhiêu công, bao nhiêu tiền trồng rừng từ những năm 80, 83 đến nay mà bị phá như vậy. Nguyên nhân là do nhận thức của một số bà con, họ nói rằng do thiếu đất sản xuất, một phàn do không hiểu pháp luật”.

Tiếc nuối không chỉ là tâm trạng vị Chủ tịch xã Cư Né, địa phương có diện tích rừng thông bị phá nhiều nhất trong thời gian qua mà cũng là suy nghĩ của những người đã từng biết đến khu rừng phòng hộ này. Với tổng diện tích lên đến trên 2.000 ha, sau 30 năm, con số ấy chỉ còn xấp xỉ 100 ha rừng quy đặc. Thay vào đó là những khu dân cư tự phát, những vườn cà phê, cao su và cả những cây ngắn ngày. Tấm biển cấm chặt phá cây rừng còn tươi mới của lực lượng kiểm lâm giữa những cánh rừng bị phá tan hoang trở nên vô duyên, lạc lõng.

Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND Huyện Krông Búk, Đắk Lắk cho biết: “Vấn đề là cơ chế. Nhà nước giao cho hộ dân quản lý, nhưng không có tiền. Từ đó, quyền lợi của người dân không gắn với trách nhiệm, vì thế người dân không có ý thức trách nhiệm”.

Hơn 30 năm trồng rừng nhưng cũng chỉ mất gần nửa thời gian để tàn phá thành quả đó. Việc xóa sổ khu rừng phòng hộ này chỉ còn là vấn đề thời gian khi phần lớn những cây thông còn sót lại đang bị đe dọa từng ngày, khi mà chính quyền bất lực trong việc xử lý những vụ xâm hại rừng thì việc quản lý, bảo vệ được rừng là điều không tưởng.

Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND Huyện Krông Búk, Đắk Lắk nói: “Quan điểm của huyện là đất rừng thì phải giữ lại trồng rừng. Vừa rồi họp Ban thường vụ đã thống nhất: phải có cơ chế để trồng lại trên 700 ha. Khu nào đã bị chặt rồi thì phải khoanh bao, trồng lại”.

Chủ trương trả lại nguyên hiện trạng rừng, có thể thay thế bằng những cây có giá trị kinh tế mà một số địa phương bị mất rừng đưa ra khó trở thành hiện thực khi mà phần lớn diện tích rừng trồng ở đây đã biến thành khu dân cư, vườn cây lâu năm. Có lẽ, việc khoanh nuôi, bảo vệ những diện tích rừng còn sót lại là điều khả thi nhất có thể thực hiện được một khi chính quyền thật sự quyết liệt. Sự quyết liệt đó đã đến lúc cần phải thể hiện sau hơn 10 năm buông lỏng quản lý.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước