Công bố 300 bài hát được phổ biến: Sai lầm về tư duy, tốn kém về tiền của

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 28/05/2017 11:34 GMT+7

VTV.vn - Đây là ý kiến của nhạc sĩ Phó Đức Phương về việc Cục Nghệ thuật biểu diễn cập nhật danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi lên website.

Tuần qua dư luận lại dậy sóng với vụ việc Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cập nhật danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi lên website của Cục. Đáng chú ý trong đó có nhiều ca khúc cách mạng, những bài ca đi cùng năm tháng. Bất ngờ và khó hiểu hơn khi trong danh sách này có cả tác phẩm Tiến quân ca - Quốc ca của đất nước đã được ghi trong Hiến pháp.

Trước những bức xúc lên tới đỉnh điểm, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương đã phải lên tiếng xin lỗi vì phương thức làm việc đã gây hiểu nhầm. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến bình luận, phân tích được đăng tải trên các báo xung quanh sự việc vô tiền khoáng hậu này.

Công bố 300 bài hát được phổ biến: Sai lầm về tư duy, tốn kém về tiền của - Ảnh 1.

Việc Cục Nghệ thuật biểu diễn cập nhật danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi lên website của Cục đã khiến dư luận dậy sóng

Trên tờ Tuổi trẻ, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, việc thống kê toàn bộ các tác phẩm trước năm 1975 ở cả 2 miền Nam – Bắc được phổ biến rộng rãi là việc làm sai lầm về tư duy và phương pháp, tốn kém thời gian, công sức, tiền của của đất nước.

Trong khi đó trên tờ Văn hóa, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, ông hoan nghênh ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo ngành văn hóa, đó là các ca khúc đã đi vào lòng khán giả và có nội dung tốt, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục của đất nước thì không cần cấp phép phổ biến. Đó chính là sự tôn trọng cần có đối với các tác phẩm nghệ thuật, với người sáng tạo cũng như với công chúng.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Bởi đây không phải là lần đầu tiên, việc cấp phép phổ biến ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn gây bức xúc dư luận và dấy lên câu hỏi về cơ chế "Xin-cho".

Trước đó vào tháng 3, Cục nghệ thuật biểu diễn đã quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, và đây đều là những bài hát nổi tiếng. Sau đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phải thu hồi quyết định tạm dừng 5 ca khúc này, nhận trách nhiệm và nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

Công bố 300 bài hát được phổ biến: Sai lầm về tư duy, tốn kém về tiền của - Ảnh 2.

Những vấn đề trong việc cấp phép ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gây rất nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua

Lý giải cho những sự việc được cho là mang tính dây chuyền trên, trong bài viết "Giới hạn của sự kiên nhẫn", tờ Người lao động cho biết có 2 khả năng xảy ra, một là trình độ năng lực của các vị ở Cục Nghệ thuật biểu diễn quá yếu. Hai là các vị cố tình làm thế để… hành nhau. Và cả 2 khả năng đều không được phép tồn tại ở một cơ quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được cho là luôn trong tình trạng vừa gây nhầm lẫn, hoặc lạc hậu dù ra đời chưa lâu. Rất nhiều lần các nhà chuyên môn, nghệ sĩ kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Cục Nghệ thuật biểu diễn xem xét lại nhiều thủ tục liên quan đến cấp phép và biểu diễn. Song Cục Nghệ thuật biểu diễn luôn cho rằng, mình đang làm đúng luật.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước