Công nghệ sinh học là giải pháp, không phải “đũa thần”

Khánh Ly-Thứ sáu, ngày 21/02/2014 17:21 GMT+7

Hội nghị Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen 2013 đã đem tới cái nhìn bao quát về triển vọng, lợi ích của việc ứng dụng rộng rãi cây trồng công nghệ sinh học (CNSH)/ cây trồng chuyển gen trên thế giới và Việt Nam.

Hướng đi mở giải quyết an ninh lương thực

Hiện nay, dân số thế giới khoảng 7 tỉ người, dự kiến đến năm 2050 sẽ lên tới 9 tỉ. Đây là gánh nặng cho ngành sản xuất lương thực toàn cầu. Năm 2013, Việt Nam đã vượt mốc 90 triệu người và với mức tăng trung bình 1,2 triệu người/năm và bình quân chỉ 2 sào đất nông nghiệp/ đầu người, nước ta cũng đang đứng trước áp lực không nhỏ. Vì vậy, cây trồng CNSH với những ưu điểm vượt trội về năng suất, kinh tế, môi trường đang là lựa chọn của nhiều quốc gia.

Năm 2013 đã ghi nhận là năm thứ hai liên tiếp diện tích canh tác cây CNSH tại các nước đang phát triển lớn hơn các nước công nghiệp, chiếm 54% (94 triệu ha) so với 46% (81 triệu ha) diện tích trồng của toàn thế giới. Hợp tác công/tư thành công đã được thành lập tại một số quốc gia bao gồm Brazil, Băng-la-đét và Indonesia.

Philippines - một nước láng giềng của Việt Nam tại Đông Nam Á đã ứng dụng thành công đưa các giống ngô biến đổi gen vào trồng rộng rãi. Thu nhập của người nông dân tăng tới 75% (218 đô-la/ha lợi nhuận trong hai vụ); giảm sử dụng thuốc trừ sâu 60%; năng suất tăng 34% so với cây trồng thông thường. Chính những điều này đã khiến diện tích ngô CNSH ở Philippines chiếm tới hơn nửa diện tích đất canh tác.

Theo đánh giá của ISAAA, Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng ứng dụng ngô CNSH với khoảng 1 triệu ha diện tích đất canh tác.

Cây trồng CNSH không phải “đũa thần”

Trong báo cáo của mình, Ts. Clive James, người sáng lập và là Chủ tịch danh dự của tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) nhấn mạnh rằng: “Cây trồng CNSH không phải liệu pháp tổng thể nhưng là giải pháp quan trọng”.

Tán thành ý kiến này, giáo sư viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội giống cây trồng Việt Nam cho rằng: “Việt Nam cần có sự tiếp cận thông minh, có lộ trình định hướng cụ thể. Đầu tư cho cây trồng biến đổi gen là cần thiết, nhưng nếu có thể đầu tư đồng bộ cho khâu tổ chức sản xuất, cải tiến kỹ thuật canh tác thì tin rằng nhiều giống cây thông thường của ta cũng cho năng suất không kém cây biến đổi gen của nước ngoài. Một số thông tin không chính xác cho rằng cây biến đổi gen là đũa thần giúp Việt Nam tự chủ về thức ăn chăn nuôi và an ninh lương thực thì không phải. Đây chỉ là một trong số các giải pháp, giải quyết an ninh lương thực cần kết hợp nhiều biện pháp và điều quan trọng là phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam”. Ông cho rằng nếu không có cái nhìn toàn diện sẽ dễ dẫn đến nước ta bị phụ thuộc nguồn giống vào nước ngoài và làm suy giảm các giống cây trồng trong nước.

Đánh giá về những khó khăn khi đưa giống cây biến đổi gen vào Việt Nam, PGS. TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng viện Di truyền nông nghiệp (bộ NN&PTNT) cho rằng có tiềm năng lớn, có thể tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ. Tuy nhiên nước ta chưa có hệ thống quy chế an toàn sinh học, bên cạnh đó là trang thiết bị, kỹ thuật, nhân lực đều thiếu.

Các nhà khoa học đều nhất trí rằng việc tiến hành ứng dụng CNSH vào Việt Nam còn khá chậm do quy trình thí điểm, đánh giá, triển khai còn nhiều khâu phức tạp và rất mất thời gian. Theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng, đó là thiệt thòi khi người nông dân nước ta không được hưởng những tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới. Một điều cần lưu tâm nữa là phổ biến tri thức đúng đắn về thực phẩm biến đổi gen rộng rãi trong xã hội, đặc biệt là lãnh đao các bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh việc ứng dụng.

Theo báo cáo của ISAAA, từ năm 1996 đến năm 2012 công nghệ sinh học đã làm tăng sản lượng với trị giá 116,9 tỷ đô la; tạo một môi trường tốt hơn, bằng cách tiết kiệm 497 kg thuôc trừ sâu, trong năm 2012 giảm 26,7 tỷ kg lượng khí thải CO2, tương đương với khí thải từ 11,8 triệu chiếc ôtô trong một năm; tiết kiệm 123 triệu ha đất và giúp xóa đói giảm nghèo cho trên 16,5 triệu hộ nông dân nhỏ và gia đình của họ (trên 65 triệu người).

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước