Cuộc tìm kiếm dầu lửa tại sa mạc Sahara

Trường Sơn-Thứ hai, ngày 17/01/2011 10:00 GMT+7

Họ là những người đi tìm dầu lửa cho Tổ quốc tại sa mạc Sahara. Họ đã làm việc, đã tìm, đã khoan và đào suốt 7 năm qua trên sa mạc, trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết.

Giàn khoan thăm dò của Petrovietnam rực sáng trong đêm sa mạc Sahara

Dầu khí là loại tài nguyên quan trọng cho phát triển, nhưng cũng hữu hạn với mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, mở rộng thăm dò và tìm kiếm dầu khí ra nước ngoài nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong những năm qua, và Tập đoàn dầu khí Việt Nam là đơn vị được giao nhiệm vụ đầy khó khăn này.

Khó khăn về xa cách địa lý. Khó khăn do thời tiết, khí hậu, và cả sự khắc nghiệt trong cuộc cạnh tranh với các tập đoàn dầu lửa lớn trên thế giới để có thể giành lấy một phần về cho quốc gia mình. Phóng viên VTV đã có mặt tại sa mạc Sahara của châu Phi và ghi lại câu chuyện đi tìm dầu lửa của các cán bộ, kỹ sư Việt Nam tại đây.

Anh Lương Tuấn Anh, Cán bộ Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (Petro Việt Nam) tại Sahara cho biết: “Chúng tôi đang ở trên sa mạc Sahara, nhưng mùa đông vẫn phải mặc áo ấm. Mùa đông nhiệt độ tại sa mạc xuống đến 0 độ, còn mùa hè thì lại lên tới 60 độ C”.

Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí là một bên trong Công ty Bir Seba, một liên doanh điều hành việc tìm và khai thác dầu trên sa mạc. Trong số 19 dự án mà Tập đoàn dầu khí Việt Nam đang triển khai ở nước ngoài, thì đây là hợp đồng đầu tiên phía Việt Nam tham gia việc điều hành.

Mỗi mũi khoan thăm dò sâu tới 4km tốn cả chục triệu USD. Các chi phí đắt đỏ khác đòi hỏi 40 cán bộ, kĩ sư VN phải làm việc liên tục, trong bất cứ điều kiện thời tiết nào.

‘ Cán bộ, kỹ sư của Petrovietnam trên công trường thăm dò, khai thác dầu khí tại Algeria. Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Quốc Thắng, Đồng trưởng ban hỗ trợ sản xuất Công ty LD Bir Seba nói: “Chi phí trong thi công dầu khí được tính theo ngày nên không thể có sự chậm trễ được, luôn phải đảm bảo thông suốt. Nếu trễ thì chi phí nó sẽ tăng lên, không thể ngừng sản xuất được”.

Trụ sở của dự án được đặt tại Hassi Messasoud, thành phố căn cứ dầu lửa giữa sa mạc Sahara, là nơi tìm ra giếng dầu đầu tiên của Algieria. Thành phố gần như không có dân cư sinh sống, mà chỉ có người đến làm việc. Nhưng ở đây, người ta có thể thuê bất cứ dịch vụ nào phục vụ việc thăm dò, khai thác dầu khí. Khắp sa mạc là những giếng dầu, những đường ống lộ thiên và những cơ sở chế biến dầu khí. Tất cả các tập đoàn dầu lửa lớn trên thế giới đều đã có mặt tại đây với một mục tiêu duy nhất là dầu lửa.

Ông Nebbali Farid, Chuyên gia dầu khí Algeria: “Ngày qua ngày, tháng này qua tháng khác cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt vì dầu lửa ở đây dù có nhiều thì cũng chỉ có giới hạn. Tất cả các công ty xuyên quốc gia lớn như BP, Exon Mobi đều đã có mặt… Và họ đều phải liên doanh với Sonatrach, Tập đoàn dầu khí quốc gia của Algeria để thăm dò và khai thác.

Theo thống kê, tỉ lệ thành công trong việc khoan thăm dò trên thế giới là 10-15%. Còn tại sa mạc Sahara, dự án của Việt Nam đã tìm thấy dầu và sẽ bắt đầu khoan phát triển, tức là khoan chuẩn bị khai thác dầu từ năm 2011 này.

Ông Trần Bình Minh, Phó TGĐ Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí - Petro Việt Nam: “Dự án sẽ cho dòng dầu đầu tiên vào năm 2013 với sản lượng 20 nghìn thùng/ngày, sau đó sẽ phát triển lên gần 40 nghìn thùng/ngày. Có thể nói, đến nay dự án đã thành công. Các rủi ro trong tìm kiếm thăm dò đã được loại bỏ.

Các dự án dầu khí tại sa mạc Sahara mọc lên ngày càng nhiều, bất chấp sự khắc nghiệt của khí hậu và cả những bất ổn an ninh liên quan đến bắt cóc, khủng bố... Ở đó, Việt Nam cũng đã tìm phần dầu lửa của mình.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước