Đak Lak: Nhiều đại lý thu mua cà phê vỡ nợ

Quang Huy-Thứ bảy, ngày 17/04/2010 15:50 GMT+7

Tại huyện EhLeo, tỉnh Đak Lak, trong mấy ngày gần đây, nhiều nông dân trồng cà phê đang rơi vào cảnh điêu đứng vì hàng trăm tấn cà phê của họ có thể sẽ không đòi lại được khi nhiều đại lý thu mua cà phê tuyên bố vỡ nợ không còn khả năng thanh toán. Câu chuyện bắt nguồn từ hình thức ký gửi cà phê vốn phổ biến tại vùng đất này. Sau mỗi vụ thu hoạch, thay vì đem bán, nông dân mang cà phê đến gửi tại các đại lý, với hy vọng chờ giá cao để bán. Nhưng kết quả đã không như mong đợi.

Sau mỗi vụ thu hoạch, nếu giá cà phê không cao, hầu hết nông dân trồng cà phê tại huyện Ehleo tỉnh Đak Lak chỉ bán một phần nhỏ sản lượng cho các đại lý, còn phần lớn là ký gửi. Thứ nhất vì không có kho xưởng để chứa cà phê, thứ 2 là hy vọng chờ giá cao để bán, còn nếu không thì cứ gửi tại các đại lý. Nếu thiếu tiền để sản xuất hoặc tiêu dùng, thì người nông dân lại đến các đại lý để tạm ứng. Đây là hình thức đã tồn tại nhiều năm nay tại vùng đất này, nhưng bản thân người nông dân lại không lường hết được những rủi ro mà họ có thể gặp phải: “Để cà phê ở nhà thì mối mọt, không có chỗ chứa nên đem đến đây gửi. Bình thường cứ hết tiền là đến đây lấy, mấy người ở đây làm ăn uy tín lắm, nhưng bây giờ không hiểu sao đi đâu không tìm được. Giờ cũng chẳng biết làm thế nào?”, một người dân cho biết.

Các đại lý thu mua cà phê là các doanh nghiệp tư nhân, chỉ có số vốn nhất định, còn chủ yếu là vay từ ngân hàng thông qua việc thế chấp nhà xưởng. Sau khi ký gửi cà phê của nông dân, các đại lý lại bán cho các DN xuất khẩu theo từng thời điểm.

Mặc dù cà phê là của nông dân nhưng việc mua hay bán lại do các đại lý quyết định. Vì lẽ đó, nên nhiều khi giá lên cao doanh nghiệp vẫn chưa vội bán, hoặc bán ở thời điểm thấp hơn so với giá mà người nông dân muốn bán. Kết quả của mối liên hệ tài chính lỏng lẻo này là khi được giá, nông dân chốt giá bán cần lấy tiền ngay, thì các đại lý, doanh nghiệp, không đủ khả năng chi trả, nên vỡ nợ.

“Chúng tôi thu mua cà phê và chốt thời điểm bán cho doanh nghiệp xuất khẩu, đến thời điểm đó chúng tôi giao sản lượng và chốt giá bán. Nhưng người nông dân thì họ bán nhỏ lẻ, không xác định lúc nào bán. Biết là rủi ro, nhưng không ký gửi thì không mua được cà phê của người nông dân”, ông Nguyễn Văn Thận – Giám đốc DNTN Hai Thận, Eahleo, Đak Lak cho biết.

Hiện trên huyện Eahleo có 4 doanh nghiệp đã tuyên bố vỡ vợ, với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Đây là 4 doanh nghiệp thu mua cà phê lớn nhất trên địa bàn, mỗi năm thu mua gần 2/3 sản lượng cà phê của toàn huyện. UBND huyện Eahleo cũng như các cơ quan của tỉnh Đak Lak đang vào cuộc để nắm bắt tình hình và sớm đưa ra giải pháp khắc phục.

Sự bế tắc của bà con nông dân trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm cà phê đang là một nghịch lý tồn tại ở nước có sản lượng xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước