Đảng tổng kết lý luận thực tiễn qua 30 năm đổi mới

TTXVN-Thứ tư, ngày 25/09/2013 20:18 GMT+7

 Ngày 25/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm Đổi Mới (1986-2016) đã tiến hành phiên họp thứ nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Theo tinh thần Kết luận số 66-KL/TW của Bộ Chính trị, việc tiến hành tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016) nhằm góp phần tiếp tục hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng.

Việc tổng kết tập trung vào các vấn đề cục diện thế giới và khu vực, những biến động gần đây và tác động đến Việt Nam, dự báo tình hình sắp tới; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới; bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; hội nhập quốc tế, đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam; đổi mới hệ thống chính trị; xây dựng Đảng cầm quyền - đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng; việc giải quyết 8 mối quan hệ lớn đã đề ra tại Đại hội XI của Đảng.

Tại phiên họp, sau khi nghe trình bày dự thảo Đề cương Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới; dự kiến các cơ quan Trung ương và địa phương tham gia tổng kết, các thành viên Ban chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến về lộ trình, kế hoạch, nội dung, phương thức tiến hành tổng kết.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016) là việc làm cần thiết, quan trọng, nhằm có cái nhìn toàn cục về tiến trình 30 năm đổi mới, trọng tâm là giai đoạn 10 năm gần đây (2006-2016); trên cơ sở kế thừa những kết quả, kết luận của các lần tổng kết 20 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991-2011, 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992-2012...

Việc tổng kết cần kết hợp những vấn đề dài hạn với việc giải quyết, xử lý những vấn đề trước mắt, nhất là những vấn đề đang có vướng mắc; góp phần thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; góp phần phát triển tư duy lý luận của Đảng, phát hiện, đề xuất một số vấn đề, luận điểm mới, những giải pháp, kiến nghị mới.

Về nội dung tổng kết, Tổng Bí thư yêu cầu cần tập trung vào các vấn đề theo tinh thần Kết luận của Bộ Chính trị, nhất là những vấn đề đang cần làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn, các vấn đề mới nảy sinh; đi sâu phân tích, giải quyết 8 mối quan hệ lớn đã đề ra tại Đại hội XI của Đảng.

Tổng Bí thư hoan nghênh công tác chuẩn bị chu đáo, công phu của Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, đã khẩn trương, tích cực xây dựng dự thảo Đề cương chung, làm cơ sở xây dựng 6 chuyên đề cụ thể, từ đó lựa chọn các Bộ, ngành, địa phương liên quan tham gia tổng kết.

Về phương pháp, cách thức tiến hành tổng kết, Tổng Bí thư chỉ rõ cần quán triệt phương pháp biện chứng, khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể. Cần có cái nhìn toàn diện, thấy cả thành tựu và hạn chế, những vấn đề mới đang đặt ra, đúc rút bài học kinh nghiệm và có các kiến nghị, đề xuất về phương hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo, muốn vậy phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết, lộ trình thực hiện, phân công phân nhiệm rõ ràng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới là công việc quan trọng, trách nhiệm nặng nề. Với yêu cầu cao cả về khối lượng và chất lượng công việc, mỗi thành viên Ban chỉ đạo và Tổ biên tập cần dành nhiều thời gian, tâm huyết, phấn đấu hoàn thành tốt trọng trách mà Trung ương, Bộ Chính trị giao.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước