Dấu ấn ngoại giao Việt Nam 2011

Phương Mai-Chủ nhật, ngày 01/01/2012 09:00 GMT+7

Thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong năm 2011 đã cho thấy ngoại giao Việt Nam đang vượt qua thời kỳ phủ sóng diện rộng “làm bạn với tất cả các nước”, hướng tới trọng tâm, trọng điểm và thiết thực…

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 10/2011 đã thành công tốt đẹp. (Ảnh: Vneconomy)

Bốn tháng cuối năm 2011 là thời điểm cao trào và để lại nhiều dấu ấn của ngoại giao Việt Nam, trong năm đầu tiên thực hiện đường lối đối ngoại mà ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã đề ra với mục tiêu cao nhất: Đối ngoại phải chủ động bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ với nguyên tắc “vì lợi ích quốc gia, dân tộc”.
Với những điểm mới trong phương châm đối ngoại mà Đại hội XI đã đề ra là “hội nhập quốc tế” và là “thành viên có trách nhiệm”. Các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong 4 tháng cuối năm đã cho thấy ngoại giao Việt Nam đang vượt qua thời kỳ phủ sóng diện rộng “làm bạn với tất cả các nước”, hướng tới trọng tâm, trọng điểm và thiết thực. Các hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã củng cố thêm những mối quan hệ hợp tác, bình đẳng cùng có lợi ở cả châu Á và châu Âu, trải dài từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.
Dấu ấn quan trọng nhất của các hoạt động đối ngoại trong năm nay là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong chuyến thăm này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã khẳng định quan điểm: Từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục, hai nước sẽ trân trọng, giữ gìn, phát triển tốt mối quan hệ hai Đảng, hai nước, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển một cách ổn định, lành mạnh, lâu dài.
Bằng việc ký “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”, các nhà lãnh đạo đã không để vấn đề Biển Đông chi phối quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Điều này cũng cho thấy, nếu hai nước xuất phát từ tầm cao chiến lược, từ lợi ích của nhân dân hai nước và căn cứ vào các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, thì hoàn toàn có thể tìm ra được giải pháp thỏa đáng cho vấn đề biển Đông, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước. Sự kiện Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang thăm chính thức Việt Nam vào những ngày cuối cùng của năm 2011, một lần nữa đã khẳng định lại thông điệp này.
Cùng với kết quả của chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyến thăm tới Ấn Độ và Philippines của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi một thông điệp rõ ràng: Việt Nam muốn “thúc đẩy giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ, ranh giới biển và thềm lục địa với các nước liên quan trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực”. Xét tình hình phức tạp ở Biển Đông trong thời gian qua nhất là trong lúc chưa có một quy tắc ứng xử mang tính pháp lý, thì những nỗ lực về ngoại giao của Việt Nam xác lập nên các nguyên tắc hợp tác để giải quyết các tranh chấp trên biển theo phương thức song phương và đa phương, mở ra nhiều cơ hội để xử lý các bất đồng, mâu thuẫn trên bàn đàm phán.
Dấu ấn ngoại giao trong năm 2011 còn là những kết quả cụ thể qua chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Nhật Bản - một đối tác chiến lược của Việt Nam. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nhật Bản Noda Yoshihiko đã khẳng định cam kết của Nhật Bản tiếp tục cung cấp vốn ODA để xây dựng một loạt các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn như đường cao tốc, sân bay, khu công nghiệp chuyên về chế tạo và nhà máy điện hạt nhân số 2. Cũng trong năm nay, Việt Nam cũng đã nâng cấp mối quan hệ với Cộng hòa Liên bang Đức lên tầm đối tác chiến lược. Theo đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ mở rộng việc hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo Đại học học, dạy nghề, bảo vệ khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Đức chính là bước đi mang tính chiến lược, qua đó, Việt Nam có thể tận dụng những kinh nghiệm, vốn và khoa học, công nghệ từ 2 nền kinh tế lớn nhất ở hai châu lục và trên thế giới để thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ở thời điểm kỷ niệm 10 năm Việt Nam và Hoa Kỳ ký Hiệp định Thương mại và 5 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam cũng tiến thêm một bước trong tiến trình hội nhập bằng việc tích cực tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham gia cuộc gặp cùng 8 thành viên tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương được coi là thông điệp về việc Việt Nam đã sẵn sàng cho một tư thế chủ động hội nhập quốc tế, chủ động tham gia ngay từ đầu vào tiến trình xây dựng cấu trúc chính trị - kinh tế - thương mại mới có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ quốc tế thế kỷ 21.
Dù giai đoạn cao trào của các hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong cả năm nay diễn ra vào cuối năm nhưng đã để lại dấu ấn quan trọng và sự khởi đầu tốt đẹp trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như hội nhập toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước