Dấu ấn Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS và CLV

Phùng Anh - Lê Tuấn - Chí Trung (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 01/04/2018 20:47 GMT+7

VTV.vn - Lãnh đạo các nước đều ghi nhận vai trò nổi bật của Việt Nam với tầm nhìn và các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa các nền kinh tế.

Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) "đã bước sang một trang mới" - đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hai cơ chế hợp tác này trong 2 ngày vừa qua tại Hà Nội. Lãnh đạo các nước đều ghi nhận vai trò nổi bật của Việt Nam với tầm nhìn và các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa các nền kinh tế.

Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng diễn ra vào đúng thời điểm cơ chế hợp tác giữa Campuchia, Lào, Myanamar, Thái Lan, Việt Nam cùng với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc bước sang năm thứ 25. Qua 1/4 thế kỷ, 21 tỷ USD đã được huy động qua cơ chế này để xây dựng và cải tạo được 80 cây cầu, 10.000km đường bộ, 500km đường sắt, 3.000km đường dây tải điện. Các dự án đều đi thẳng đến người dân, nhất là ở khu vực khó khăn cần thiết nhất. Vì vậy, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh tới việc 6 nước cần phải tăng cường kết nối mà đầu tiên là cơ sở hạ tầng và các nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ triển khai 237 dự án trong 5 năm tới, với tổng vốn lên tới 66 tỷ USD.

Cùng với kết nối về hạ tầng cứng, các nhà lãnh đạo đã đạt được đồng thuận một quan điểm quan trọng theo đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đó là Tiểu vùng này không phải là một phép cộng cơ học của các nền kinh tế thành viên mà từng quốc gia cần tập trung cải cách thể chế pháp luật, phát triển hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực để sức cạnh tranh của Tiểu vùng sẽ được thúc đẩy một cách tổng thể và toàn diện, trên cơ sở hợp tác chân thành, thẳng thắn, từ đó tạo niềm tin để cùng hành động hiệu quả hơn.

Quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau Hội nghị Thượng đỉnh Tam giác phát triển Campuchia, Lào và Việt Nam đã được Thủ tướng Thonglun Sisoulith và Thủ tướng Hunsen rất tán thưởng bởi với vai trò dẫn dắt của Việt Nam, trong 18 năm qua, cơ chế hợp tác giữa 13 tỉnh biên giới của 3 nước đã thu hẹp được khoảng cách phát triển. Số lượng các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư ngày càng nhiều.

Quan trọng hơn từ mô hình này, trên cơ sở đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nhà lãnh đạo đã nhất trí khởi động quá trình mở rộng hợp tác Khu vực Tam giác phát triển không chỉ giới hạn ở 13 tỉnh mà là giữa 3 nền kinh tế; đồng thời thông qua Kế hoạch tổng thể đầy tham vọng về kết nối ba nền kinh tế trong 12 năm tới, với mục tiêu tạo nên sự hấp dẫn và tầm nhìn mới đưa 3 nước trở thành một cực quan trọng trong tăng trưởng của ASEAN.

Để tăng cường kết nối giữa 6 nước trong Tiểu vùng Mekong mở rộng, hay giữa Campuchia - Lào và Việt Nam trong tam giác phát triển, sự hợp tác giữa các Chính phủ và giữa các Chính phủ với các nhà tài trợ là chưa đủ, vì vậy việc huy động khu vực tư nhân tham gia vào tiến trình hợp tác này theo sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được các doanh nghiệp rất hưởng ứng. Đó là có trên 2.000 doanh nghiệp từ 6 nước đã tham diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh Tiểu vùng Mekong mở rộng, lần đầu tiên được tổ chức theo mô hình của Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos.

Tiếp theo thành công của Hội nghị APEC 2017, hai sự kiện quốc tế đa phương quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong năm nay đã được tổ chức thành công. Điều này là minh chứng về việc Việt Nam không chỉ với tư cách là nước chủ nhà, mà còn đóng vai trò dẫn dắt và định hướng cho hoạt động của Tiểu vùng Mekong trong thời gian tới, khẳng định tầm vóc của Việt Nam.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước