“Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhưng không giảm ngân sách chi cho giáo dục”

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 19/07/2017 20:22 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Hội Cựu giáo chức Việt Nam.

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm Chính phủ là sẽ đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhưng ngân sách nhà nước cấp cho giáo dục sẽ không giảm.

Sáng nay (19/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Hội Cựu giáo chức Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hội Cựu giáo chức Việt Nam trong 13 năm qua đã có nhiều hoạt động giúp đỡ các nhà giáo khó khăn về kinh tế và bệnh tật thông qua Quỹ tình nghĩa nhà giáo. Hội cũng vận động các nhà giáo tư vấn, phản biện dự thảo Luật Giáo dục, dự thảo Luật Đại học và Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo, trước khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết và bây giờ là Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn lắng nghe những ý kiến này và coi đây là kênh thông tin quan trọng trong việc xây dựng chính sách phát triển giáo dục của đất nước, đặc biệt là chính sách, chế độ đối với các thầy, cô giáo đang giảng dạy hoặc đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên của Hội Cựu giáo chức Việt Nam với kinh nghiệm và trải nghiệm của mình cần có thêm những ý kiến để đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước nhà.

Thủ tướng đưa ra ví dụ, Nhật Bản có nhiều ô tô nhưng giờ đây tai nạn giao thông rất ít cũng là do giáo dục mà ra. Chân, thiện, mỹ, ý thức hay lập trường, quan điểm chính trị của mỗi người cũng là từ giáo dục, chính vì thế Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhưng nếu không quan tâm đặc biệt đến đội ngũ thầy, cô giáo, đổi mới giáo dục sẽ không thành công. Cũng vì thế, quan điểm của Thủ tướng về xã hội hóa giáo dục không phải là chuyển các thầy, cô giáo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, từ biên chế sang hợp đồng, cũng như không cắt giảm ngân sách chi cho giáo dục. Vì đó không phải là phương án hợp lòng người.

Đối với đề nghị của Hội Cựu giáo chức Việt Nam về khoảng 10.000 nhà giáo làm công tác quản lý nghỉ hưu sau năm 1993 mà chưa được hưởng tiền trợ cấp thâm niên và khoảng 48.000 cô giáo mầm non ở 17 tỉnh phía Bắc chưa được hưởng chế độ lúc nghỉ việc do thay đổi cơ chế quản lý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là tiếng nói cần phải lắng nghe vì vấn đề này cũng đã được các cử tri nhiều lần kiến nghị với Thủ tướng. Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu 2 vấn đề này để bổ sung vào Đề án tổng thể về cải cách tiền lương trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng tới đây. Thủ tướng đồng thời cũng khẳng định cải cách tiền lương là nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ khóa này, nhưng khi có chính sách mới thì phải có nguồn chi.

Hơn 14.000 tỷ đồng dành cho giáo dục nghề nghiệp Hơn 14.000 tỷ đồng dành cho giáo dục nghề nghiệp

VTV.vn - Thủ tướng vừa phê duyệt chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp kết hợp với phát triển thị trường lao động, việc làm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước