Đề án tinh giản biên chế: Nói dễ, khó làm

Thái Thanh-Thứ hai, ngày 10/02/2014 21:11 GMT+7

Theo đề án của Bộ Nội vụ, 100.000 biên chế sẽ được tinh giảm trong vòng 6 năm từ nay đến 2020, trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.

Một trong những vấn đề được những người làm công ăn lương nói chung, cán bộ, công chức nói riêng hết sức quan tâm là Dự thảo đề án tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ soạn thảo đang được lấy ý kiến nhân dân, trong đó Bộ đề xuất sẽ tinh giản 100.000 biên chế Nhà nước trong giai đoạn 2014-2020.

Bộ Nội vụ cho biết, số cán bộ, công chức trong diện biên chế hưởng lương ngân sách Nhà nước năm 2012 là gần 400.000 người chưa bao gồm Bộ Quốc phòng và Công an. Ngoài ra còn khoảng 257.000 biên chế cấp xã. Số lượng nhiều nhưng công việc nhiều nơi không chạy; nhiều lĩnh vực quản lý đang có sự chồng chéo nên khi xảy ra sự việc không tìm được người chịu trách nhiệm. Để khắc phục tình trạng này, thực hiện tinh giảm là một công việc cần thiết. Đề xuất này ngay lập tức đã nhận được sự đồng tình của dư luận.

Ông Phạm Bích San, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Ít nhất thì đề án của Bộ Nội vụ cũng cho thấy bản thân Bộ Nội vụ không thể đảm đương được với số lượng người nhận tiền từ ngân sách Nhà nước lớn như vậy”.

Theo đề án của Bộ Nội vụ, 100.000 biên chế sẽ được tinh giảm trong vòng 6 năm từ nay đến 2020, trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Dự kiến sẽ cần khoảng 8.000 tỷ đồng đề triển khai đề án này.

‘ Tranh biếm họa về việc tinh giản biên chế. Nguồn: Internet.

Cũng theo đề án này, những người đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước nhưng có chuyên ngành đào tạo không phù hợp, không làm được việc, những người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng trong quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp mà không bố trí được công việc khác, sẽ là đối tượng của đợt tinh giảm này.

Theo ông Chu Sơn Hà, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, chỉ qua qua giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm, đấu tranh chống buôn lậu cũng cho thấy, đã có sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Vì vậy, muốn giảm biên chế thành công, phải xác định được vị trí việc làm của mỗi cơ quan.

Ông Hà nói: “Thứ nhất, phải xác định rõ vị trí việc làm, trên cơ sở xác định vị trí việc làm mới xác định tổng biên chế, con người làm việc đó cho phù hợp, hiệu quả bao nhiêu cho đủ, sau khi xác định bao nhiêu cho đủ thì so với hiện nay, chúng ta vượt bao nhiêu, cần phải giảm bao nhiêu. Tôi cho rằng con số 100.000 biên chế cần phải xem thêm, có thể hơn 100.000, có thể dưới 100.000, nhưng phải trở về vấn đề đầu tiên là xác định vị trí việc làm”.

Đồng tình với quan điểm của Bộ Nội vụ, nhưng ông Phạm Bích San cũng kiến nghị: “Đề xuất đưa ra để giảm 100.000 người lại không cho biết dựa trên cơ sở khoa học nào, tại sao lại giảm 100.000, chứ không phải 200.000, hay 10.000, vậy tiêu chí thế nào là người cán bộ làm được việc…”.

Tinh giản biên chế là vấn đề không dễ dàng, để thực hiện thành công cần phải khách quan, công tâm và một quyết tâm cao trong quá trình thực hiện. Bởi thực tế cho thấy đã có những vấn đề dù được quy định rõ, nhưng rất khó áp dụng. Ví như việc Chính phủ chỉ cho phép mỗi Bộ không quá 4 Thứ trưởng, nhưng trên thực tế lại chỉ có một Bộ thực hiện nghiêm quy định này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước