ĐH, CĐ ngoài công lập "gặp khó" khi tuyển sinh

Văn Phồn-Chủ nhật, ngày 10/03/2013 15:03 GMT+7

PGS.TS Nguyễn Văn Áng - Vụ trưởng vụ kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT. (Ảnh: VTV News)

 Trước thực tế những năm gần đây các trường ngoài công lập (NCL) rất khó tuyển đủ chỉ tiêu, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Áng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT.

Hiện nay cả nước có 81 trường ĐH, CĐ ngoài công lập. 20 năm qua, những trường này đã tạo nên diện mạo mới cho ngành giáo dục - đào tạo Việt Nam. Các trường NCL đã thu hút nguồn lực to lớn từ xã hội đầu tư cho giáo dục, tạo thêm cơ hội được học tập và tạo việc làm cho hàng chục vạn người.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây các trường đang gặp khó khăn lớn do khó tuyển đủ chỉ tiêu. Hàng năm, số sinh viên của các trường NCL mới chỉ đạt 14% số sinh viên cả nước. Mùa tuyển sinh 2012, Bộ GD&ĐT cũng đã tạo điều kiện giải quyết khó khăn này cho các trường NCL, bằng cách kéo dài thời gian tuyển sinh. Tuy nhiên, giải pháp này đã không mang lại kết quả khả quan, thậm chí một số trường có nguy cơ phải đóng cửa. Vậy đây là giải pháp cho vấn đề này? Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Áng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT.

PV: Thưa ông, hiện nay các trường NCL cho rằng, vấn đề tuyển sinh của các trường gặp khó khăn là do cơ chế điểm sàn của Bộ GD&ĐT chưa hợp lý, đã dẫn tới nguồn tuyển thu hẹp và không tuyển đủ sinh viên. Vậy mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT có cơ chế gì đối với các trường NCL để khắc phục tình trạng này? Và liệu có cần thay đổi phương thức tuyển sinh đối với các trường NCL?

PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Việc các trường NCL tuyển sinh gặp khó khăn là nằm trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, bởi chính các trường công lập cũng đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, riêng các trường NCL vẫn khó khăn hơn. Nếu nói về nguyên nhân sẽ có rất nhiều, còn vấn đề điểm sàn chỉ là một trong nhiều nguyên nhân đó. Có một thức tế rằng, vẫn cơ chế tuyển sinh như vậy, cách xác định điểm sàn như vậy tại sao những năm trước đây lại không xảy ra tình trạng thiếu sinh viên như năm 2012. Vì vậy tôi cho rằng, nguyên nhân của cả vấn đề không chỉ nằm ở khía cạnh điểm sàn.

PV: Như ông nói vài năm trở lại đây, các trường NCL và các trường công lập đều khó khăn trong việc tuyển sinh. Có một thực tế, nhiều trường công lập đang lấy thí sinh đến điểm sàn và như thế sẽ khiến cho số lượng thí sinh để các trường NCL tuyển bị hạn hẹp. Vậy đây có phải là do số lượng trường ĐH, CĐ hiện nay được mở quá nhiều hay không?

PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Đây cũng có thể là nguyên nhân, nhưng điều quan trọng nhất là hiện nay nguồn tuyển của chúng ta đã tương đối ổn định. Trong khi đó chúng ta đã thực hiện chủ trương phân luồng sau THCS, để cho những học sinh có khả năng học không được tốt có thể chuyển sang việc đi học nghề. Trong điều kiện như vậy, nguồn tuyển của ĐH, CĐ cũng sẽ bị thu hẹp đi. Số lượng trường ĐH, CĐ ở nước ta được thành lập như trong thời gian vừa qua, cũng là vấn đề gây khó khăn trong việc tuyển sinh của các trường NCL. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chủ yếu.

PV: Khi chúng ta phân luồng để cho học sinh tham gia học tại các trường nghề, sẽ làm cho số lượng sinh viên thi vào các trường ĐH, CĐ ít hơn đi, trong khi số lượng các trường ĐH, CĐ lại tăng lên. Như vậy sẽ làm cho vấn đề tuyển sinh trầm trọng hơn đúng không ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Số lượng sinh viên mà chúng ta phân luồng vào các trường nghề nhiều hơn, tôi nghĩ đây là một dấu hiệu tốt, đây chính là điều chúng ta đang mong muốn. Mới đây, Bộ GD&ĐT cũng đã họp với Hiệp hội các trường NCL để cùng bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường này.

PV: Vậy sau những bàn thảo của Bộ GD&ĐT với Hiệp hội các trường NCL, năm nay việc tuyển sinh có thay đổi gì không thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Nhìn chung, những thay đổi lớn sẽ không có, bởi vì trên tinh thần chung chúng ta cố gắng ổn định các chính sách để tránh gây rối loạn cho xã hội. Còn trong cách xác định điểm sàn năm nay, sẽ có thể có những cải tiến.

PV: Thưa ông, nhiều trường ĐH hiện nay đề nghị bỏ điểm sàn, các trường sẽ tự tổ chức thi riêng và tự chịu trách nhiệm về đào tạo, Bộ GD&ĐT nghĩ sao về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Việc bỏ điểm sàn hay không, vấn đề này chúng ta cũng đã trao đổi ở một số năm trước, nhưng tính thời điểm này Bộ GD&ĐT khẳng định: Từ nay đến 2015 vẫn duy trì phương thức thi 3 chung và thực hiện lấy điểm sàn như hiện nay. Còn sau 2015 như thế nào, thì hiện nay Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu để tìm ra một phương thức thích hợp.

PV: Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng không cần tổ chức kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH, mà cho tất cả những ai đã tốt nghiệp phổ thông vào học Đại học và sẽ sàng lọc trong quá trình học tập theo hình chóp. Quan điểm của Bộ GD&ĐT về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Thực ra cũng đã có những ý kiến như vậy, thậm chí nhiều người cho rằng việc Bộ GD&ĐT tổ chức một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ như hiện nay là quá tốn kém. Tuy nhiên, mọi người đã quên rằng chúng ta tổ chức kỳ thi 3 chung là nhằm mục tiêu để cho xã hội và từng cá nhân bớt đi sự trả giá do quá trình sàng lọc sau này. Nếu như chúng ta cứ cho cá nhân đăng ký vào học và sau một năm, hai năm không theo được chúng ta mới đào thải, cá nhân đó phải trả giá cho việc này quá đắt vì sinh viên đó sẽ mất đi 2 hoặc 3 năm tuổi trẻ mà không đạt được điều gì. Và nguồn lực của xã hội sẽ tiêu phí vào một việc không đem lại kết quả như mong muốn, với chi phí đó tôi cho rằng còn lớn hơn nhiều việc chúng ta tổ chức kỳ thi 3 chung.

PV: Hiện nay, trước việc thu hẹp các trường NCL có chất lượng kém, Bộ GD&ĐT có nghĩ đến hậu quả sẽ ra sao?

PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Tôi cho rằng nếu có một số trường gặp khó khăn, hoặc giải thể đó cũng là việc bình thường trong hoạt động của cơ chế thị trường. Đương nhiên, làm công tác quản lý Nhà nước không ai mong muốn chuyện đó xảy ra, nhưng chúng ta không thể chỉ đạo học trò vào học trường này hay trường kia mà chuyện đó do thị trường quyết định.

Cảm ơn PGS.TS Nguyễn Văn Áng về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước