Di sản các nhà khoa học - tài sản quý của đất nước

Kim Ngân -Thứ ba, ngày 13/12/2011 11:10 GMT+7

Trong lịch sử bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước, đóng góp của các nhà khoa học là vô cùng to lớn. Những công trình nghiên cứu của họ là tài sản quý giá của đất nước.

Các nhà sử học tại kho tư liệu, di sản các nhà khoa học VN. (Ảnh: Dân trí)

Tuy nhiên, tính từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, mới chỉ có khoảng vài chục nhà khoa học được lưu trữ hồ sơ tại trung tâm lưu trữ quốc gia, một con số rất ít ỏi so với hàng vạn nhà khoa học các thế hệ. Để những di sản ký ức ấy không bị mai một, ba năm qua, một nhóm nhà khoa học tâm huyết đã thành lập và vận hành Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam, một việc làm ý nghĩa và kịp thời trong bối cảnh nhiều nhà khoa học lão thành đã mất, hoặc bước vào tuổi “xưa nay hiếm”.
Ba năm qua, những buổi tiếp nhận hồ sơ tài liệu đã trở nên quen thuộc với cán bộ Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam. Dữ liệu của hơn 200 nhà khoa học, với hơn 1 vạn đầu tư liệu được lưu trữ theo tiêu chuẩn quốc tế, gồm nhiều hạng mục như tài liệu giấy, tài liệu phim ảnh, tài liệu hiện vật. Cho đến nay, hầu hết các nhà khoa học đầu ngành đã tin tưởng chọn nơi này để trao lại tất cả, hoặc một phần các công trình nghiên cứu của cả đời mình. Công việc của các nghiên cứu viên của trung tâm cũng âm thầm, bền bỉ như chính những con người mà họ đang gắng sức lưu lại tinh hoa trí tuệ trong từng công trình nghiên cứu.
Chị Nguyễn Thị Trâm, nghiên cứu viên Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam cho biết: “Có những nhà khoa học chúng tôi sưu tầm tư liệu từ 3 năm trước, nhưng bây giờ vẫn tiếp tục được bổ sung. Hồ sơ của một nhà khoa học ngay cả khi đã đưa vào hộp lưu trữ thì vẫn tiếp tục được hoàn thiện”.
Đầu tháng 11 vừa qua, xuất bản phẩm đầu tiên của Trung tâm có tên “Di sản ký ức của nhà khoa học” được ra mắt. Ở đó, ký ức về những hiện vật, những kỷ niệm của mỗi nhà khoa học được các nghiên cứu viên của Trung tâm ghi lại, phản ánh chân thực. Đặc biệt có giá trị là các cuốn nhật ký, sổ tay công tác ghi lại quá trình hoạt động khoa học, tài liệu viết tay các công trình khoa học và cả những hiện vật gắn liền với cuộc đời mỗi nhà khoa học.
Giáo sư Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học nói: “Cuốn sách đó chỉ là sự vỡ vạc ban đầu để mọi người nhận biết và có ý thức tôn trọng di sản của các nhà khoa học. Chúng tôi mong rằng sau này sẽ có thêm nhiều nhà khoa học cộng tác với chúng tôi, có thêm nhiều tập sách hơn về di sản ký ức này”.
Vượt lên ý nghĩa là những tài liệu cá nhân, mỗi hiện vật ở đây còn phản ánh những thăng trầm của nền khoa học nước nhà song hành cùng lịch sử dân tộc, từ chiếc máy châm cứu thế hệ đầu tiên, đến những chiếc đèn, ống nghe đã được dùng để cứu chữa bệnh nhân nơi chiến trận. Chủ nhân của những kỷ vật này người còn người mất, nhưng ký ức của họ, trí tuệ của họ đã không bị lãng quên.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước