Đi tìm nguyên nhân ngại tố cáo chống tham nhũng

Quang Đông -Thứ sáu, ngày 04/11/2011 07:00 GMT+7

Theo báo cáo của VP Ban chỉ đạo PCTN Trung ương, nhiều cán bộ và người dân từng giúp cơ quan chức năng phát hiện các vụ việc tham nhũng đã và đang bị đe dọa, trả thù với nhiều hình thức tàn bạo, tinh vi.

Các đại biểu tham gia hội thảo quốc tế về "Bảo vệ người tố cáo chống tham nhũng" (Ảnh: VnExpress)

Sáng 3/11, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức Hội thảo quốc tế về “Bảo vệ người tố cáo tham nhũng”. Tham dự hội thảo có nhiều cơ quan chức năng ở Trung ương, một số tổ chức quốc tế và địa phương phương tiêu biểu trong công tác phòng chống tham nhũng trong cả nước.

Báo cáo đề dẫn của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương đề cập thực trạng rất đáng suy ngẫm: Đó là có nhiều cán bộ, công chức và người dân từng giúp các cơ quan chức năng phát hiện ra các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng đã và đang bị đe dọa, trả thù với nhiều hình thức tàn bạo, tinh vi. Tuy nhiên đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp bảo vệ họ. Hiện, ở nhiều nơi sự an toàn và quyền lợi của người dũng cảm tố cáo tham nhũng chưa được bảo đảm.
Tại buổi hội thảo, đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm về công tác phòng chống và bảo vệ người chống tham nhũng. Một số đại biểu đề nghị, cùng với những cơ chế khen thưởng thích đáng người dũng cảm tố cáo đúng sự thật, xử lý nghiêm và dứt điểm những vụ việc tham nhũng, trong những tình huống cụ thể, cần có lực lượng chức năng đi kèm, bảo vệ người tố cáo chống tham nhũng cần được tiến hành giống như bảo vệ nhân chứng.
Bà Chu Su Jin, chuyên gia Ủy ban phòng chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc cho biết: "Ở Hàn Quốc có những cơ chế chính sách bảo mật, khen thưởng và đền bù thích đáng cho người tố cáo tham nhũng. Những người trả thù cho hành vi này bị phạt nặng kinh tế và phạt tù. Còn những người tố cáo đúng tham nhũng được thưởng theo tỷ lệ phần trăm số thất thoát thu được. Những hành vi tham nhũng trong các cơ quan công quyền được quy định rõ trong Luật để người tố cáo tham nhũng hiểu rõ để bảo vệ quyền lợi".
Có một thực tế được nhiều đại biểu đưa ra, người tố cáo tham nhũng luôn yếu thế hơn người bị tố cáo tham nhũng vốn được xác định là những người có chức, có quyền và có tiềm lực kinh tế.
Sẽ là rất khó khăn nếu như những người dũng cảm tố cáo tham nhũng hiện nay vẫn phải tự bảo vệ bản thân, gia đình và người thân khỏi sự trả thù. Nhiều đại biểu đề nghị: Để bảo vệ người tố cáo tham nhũng, rất cần có những giải pháp đồng bộ, từ thể chế, pháp luật và cả chế độ bảo mật thông tin.
Một con số nghiên cứu của Viện xã hội học thuộc viện Khoa học Xã hội Việt Nam đưa ra tại buổi hội thảo có tới trên 30% người được hỏi khẳng định: Đã từng chứng kiến hiện tượng trả thù những người tố cáo tham nhũng và những người thân. Trên thực tế, đang tồn tại tâm lý phổ biến, không ít người biết việc tham nhũng, nhưng không dám tố cáo vì sợ bị trả thù.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước