Điểm báo ngày 28/6: “Đủ kiểu bớt xén tiền hỗ trợ hạn, mặn tại ĐBSCL"

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 28/06/2016 09:30 GMT+7

VTV.vn - Các báo ra sáng nay (28/6) có nhiều thông tin rất đáng chú ý. Dưới đây là tổng hợp của phóng viên VTV.

* Báo Lao động

“Đủ kiểu bớt xén tiền hỗ trợ hạn, mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long” là phóng sự điều tra đáng chú ý được đăng trên tờ Lao động sáng nay.

Tại Kiên Giang, có trường hợp tiền hỗ trợ chưa đến tay người dân đã bị cán bộ yêu cầu nộp lại một khoản nhằm đóng các loại quỹ. Ngoài ra, có trường hợp người dân đáng lý được nhận 2 triệu đồng/ha cho diện tích thiệt hại trên 70%, nhưng chỉ nhận được 1 - 1,5 triệu đồng/ha. Trong khi đó, một số địa phương lại cho biết, việc rà soát thiệt hại của các hộ gia đình gặp khó khăn, nên nhiều trường hợp tiền hỗ trợ chậm đến tay bà con.

* Báo Hải quan

Thị trường xe sang - sau nóng là lạnh? Đây là câu hỏi lớn, nổi bật trên trang nhất của Báo Hải quan hôm nay. Cụ thể, sau 1/7/2016, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe ô tô có dung tích xilanh lớn (từ 2.5L trở lên) tăng, tác động mạnh tới giá bán.

Trước mốc thời gian này, đang diễn ra cảnh đua nhau bán, đua nhau mua để chạy thuế. Song điều đáng nói là các hãng ô tô vẫn tự tin rằng sau 1/7, thị trường xe sang sẽ không vì thế mà nguội lạnh, có chăng người tiêu dùng sẽ lựa chọn nhiều hơn những mẫu xe ít hoặc không bị tác động tăng thuế đó là các dòng xe có dung tích từ 2.0L trở xuống. Không nói hẳn ra nhưng các đại lý kinh doanh xe sang tại Việt Nam đều hiểu rằng, tại Việt Nam giá đôi khi không phải là vấn đề quyết định để khách mua xe sang.

* Báo Quân đội Nhân dân

"Cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước" là bài viết trên Báo Quân đội Nhân dân hôm nay. Trong chuyên mục Đưa nhanh nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, Báo Quân đội Nhân dân cho rằng, thực tế Việt Nam bước vào nhiệm kỳ 2016-2021 với những khuyết tật cố hữu của một nền hành chính vẫn mang nặng tính quan liêu, phiền hà, chia cắt bộc lộ rõ. Trong bối cảnh đất nước tham gia hội nhập sâu vào các nền kinh tế thế giới, hệ thống thể chế, hệ thống thủ tục hành chính rườm rà, phong cách, lề lối làm việc xưa cũ bắt buộc phải được thay đổi một cách căn bản, nếu không sẽ là lực cản trên con đường xây dựng đất nước.

* Thời báo Kinh tế Việt Nam

Toàn ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 15 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2016. Đây là thông tin trên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam. Như vậy, 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam đã cho thấy một bức tranh tổng quát về xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong nửa đầu năm nay đó là kim ngạch gạo và cao su suy giảm, cà phê, tiêu, điều tăng vững. Xuất khẩu lâm sản sụt giảm trong khi thủy sản tăng chậm.

* Báo Nông thôn Ngày nay

Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập hơn 7.600 tỷ đồng nguyên liệu và thuốc bảo vệ thực vật, trong đó gần 50% từ Trung Quốc. Câu hỏi được Báo Nông thôn Ngày nay đặt ra hôm nay là: Vì sao lại chi tiền khủng nhập thuốc trừ sâu?

Lý giải điều này, ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, nền công nghiệp hóa học của Việt Nam rất kém, không thể cạnh tranh với các nước khác. Ngoài ra, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật rất độc hại, nên chúng ta cũng không khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

* Báo Tuổi trẻ

“Nhà máy ven bờ đầu độc những dòng sông” là phản ánh trên tờ Tuổi trẻ hôm nay. Theo bài báo, đeo bám dọc hai bên sông Tiền, sông Hậu - hai con sông mẹ ở Đồng bằng Sông Cửu Long là hàng trăm nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Chưa rõ mức độ gây ô nhiễm của những nhà máy, xí nghiệp này, nhưng hai bên bờ sông và những con kênh rạch quanh đó đang chết dần.

Có những đoạn, 4 năm trước, nước còn trong xanh, dân hai bên rạch còn nuôi cá, lấy nước tắm giặt, nấu cơm... Tuy nhiên, hiện nước đen như nhớt cặn, mùi hôi thối nồng nặc.

* Báo Người Lao động

Theo ghi nhận của Báo Người Lao động, sau khi Thủ tướng Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, nhiều người kỳ vọng đại ngàn Tây Nguyên sẽ ngừng "chảy máu". Tuy nhiên, thực tế cho thấy rừng nhiều nơi vẫn tiếp tục bị tàn phá.

Tại nhiều cánh rừng ở Tây Nguyên như tại huyện Ea H'leo, tỉnh Đăk Lăk, lâm tặc vẫn chuyển gỗ lậu trên đường nhưng không hề bị xử lý. Những gì Báo Người Lao động ghi nhận được là một sự dửng dưng của những người liên quan trong việc bảo vệ rừng.

* Báo Lao động Thủ đô

Điện thoại cá nhân liên tục bị làm phiền. Thông tin cá nhân có từ đâu? Theo Báo Lao động Thủ đô, thông tin cá nhân của bạn có thể bị rò rỉ bởi các đơn vị cung cấp dịch vụ mà bạn đã từng khai báo thông tin, đơn vị này có thể trao đổi với các đơn vị khác, hay thông tin đó có thể bị thu thập trên các mạng xã hội.

Điều đáng nói, mặc dù đã có Luật Bảo mật an toàn thông tin cho kháchhàng, nhưng khách hàng tham gia nhiều dịch vụ khác nhau, rất khó để truy tìm thông tin khách hàng lộ ra từ nguồn nào.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước