Điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt

Đặng Tú - Nguyễn Trung-Thứ ba, ngày 13/03/2012 10:35 GMT+7

Khó khăn trong tiếp cận công nghệ cao đang là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhưng ngay ở những lĩnh vực không quá mới như sản xuất dây dẫn cũng vắng bóng sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước…

Không tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là nỗi lo của các DN. Ảnh: vinhphuc
Một trong những mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài đó là tận dụng nguồn vốn, công nghệ cao và phương thức quản trị doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên theo điều tra mới đây về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài do Chương trình Sáng kiến cạnh tranh cùng Phòng TM&CN Việt Nam kết hợp khảo sát cho thấy một kết quả không mấy khả quan. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tiếp cận được và đang nằm ngoài chuỗi liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nhà máy lắp ráp vi tính của tập đoàn Compal tại tỉnh Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư 500 triệu USD, đây là một khoản tài chính không nhỏ đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng theo các nhà phân tích, hiệu quả kinh tế mang lại cho Việt Nam không nhiều, bởi lẽ toàn bộ linh kiện để lắp ráp máy tính của doanh nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông Casper Chang, Giám đốc điều hành công ty Compal Việt Nam cho biết: “Chỉ đơn cử như một cái ốc vít của máy tính xách tay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể cung cấp được. Mấy năm nay, có bất kỳ triển lãm công nghệ cao nào ở Việt Nam chúng tôi cũng tham gia để tìm kiếm đối tác nhưng không tìm được như mong muốn. Sự khác biệt là khá lớn, buộc chúng tôi phải đưa những doanh nghiệp trong một tổ hợp khép kín từ nước ngoài vào”.
Khó khăn trong tiếp cận công nghệ cao đang là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhưng ngay ở những lĩnh vực không quá mới như sản xuất dây dẫn cũng vắng bóng sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước. Công ty TNHH hệ thống dây dẫn SuMi Việt Nam sau hơn 2 năm đi vào sản xuất, hoạt động của công ty vẫn theo một công thức nhất định: Nhập nguyên liệu - gia công sản xuất và xuất khẩu.
Hai doanh nghiệp trên chỉ là một phần trong bức tranh về thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua. Theo điều tra mới đây, phòng TM&CN Việt Nam chỉ có 40% doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ cao và phương thức quản trị tiên tiến vẫn chiếm một con số nhỏ.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký Phòng TM&CN Việt Nam: “Có những tập đoàn, phần công nghệ cao họ giữ lại và chỉ sử dụng lao động phổ thông. Tuy nhiên, nhiều khi họ mong muốn nhưng nguồn nhân lực của chúng ta lại không đảm bảo và cái này liên quan đến công tác đào tạo”.
Đã có những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tuy nhiên con số này chưa nhiều. Ngay như ở những doanh nghiệp cho dù đã 7 năm thành công trong việc tham gia cung ứng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vẫn chưa thể chuyên tâm ở dòng sản phẩm hiện tại - những sản phẩm mới không trong chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đã bắt đầu được đưa vào sản xuất.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước