Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô bên bờ phá sản

Hoài Nam-Thứ tư, ngày 25/05/2011 16:00 GMT+7

Giữa tháng 5, Bộ Công thương đã ban hành thông tư yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô bổ sung thêm 2 loại giấy phép kể từ ngày 26/6. Tuy nhiên, trên thực tế, loại giấy tờ mới phải bổ sung là những thứ mà doanh nghiệp nhập khẩu gần như không thể có được.

Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh ô tô nhập khẩu đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, ngừng hoạt động và khó tránh khỏi khả năng phá sản.

Với loại giấy tờ thứ nhất là Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó. Và loại giấy tờ thứ 2 là Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp. Đây là những loại giấy tờ mà 1 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô hiện cần phải có để nhập 1 chiếc xe về nước và 2 loại giấy tờ dự kiến các doanh nghiệp sẽ phải bổ sung kể từ ngày 26/6 tới đây theo quy định của Thông tư do Bộ Công thương vừa ban hành. Điều đáng nói là, một trong 2 loại giấy tờ này vẫn chưa thấy được ban hành.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch công ty Kylin668 cho biết: “Chúng tôi đã tìm hiểu và biết là Bộ Giao thông Vận tải chưa bao giờ ban hành tiêu chuẩn về cơ sở này. Làm sao chúng tôi có thể có được giấy phép trong 1 tháng nữa khi mà Bộ còn chưa ban hành hướng dẫn”.

Như vậy, trong vòng 1 tháng nữa, doanh nghiệp này sẽ phải có 1 loại giấy phép chưa hề tồn tại… Và nếu không có, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô sẽ bị ngừng kinh doanh.

Theo phản ánh của nhiều chủ salon ô tô nhập khẩu, việc chỉ còn 1 tháng nữa Thông tư 20 có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng phá sản vì bị kẹt vốn ở các lô hàng không kịp về trước ngày 26/6.

Ví dụ, đối với doanh nghiệp KyLin668, họ sẽ bị thiệt hại 15 triệu USD tiền đặt các lô hàng cho cả năm 2011. Bởi tiền thì đã chuyển cho nhà cung cấp xe, còn xe thì không thể đưa vào trong nước”.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch công ty KyLin668 bức xúc cho biết: “Tất cả những gì chúng tôi đầu tư coi như bỏ đi, tiền hàng vay mượn thì không thu về được, quan trọng hơn là thương hiệu đã gây dựng bao năm nay với đối tác trong nước, nước ngoài coi như bỏ đi hoàn toàn. Chúng tôi cũng không biết làm thế nào. Không kinh doanh cái này thì kinh doanh cái khác, nhưng với chính sách thế này thì bây giờ làm gì cũng sợ”.

Cái nhìn thấy rõ nhất là doanh nghiệp này sẽ thiệt hại tiền đầu tư cho 6 showroom trên cả nước 200 tỷ đồng cho 1 Trung tâm bảo dưỡng vừa xây dựng hồi đầu năm. Nhìn rộng hơn, con số thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều khi xét trên tổng số 2.000 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trên cả nước, chưa kể sự liên đới ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng, nhưng quan trọng hơn hết là câu chuyện “chim sợ cành cong” - niềm tin vào chính sách của các doanh nghiệp này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước