Đổi mới giáo dục phổ thông: Nhiều lúng túng

Kim Hải -Thứ bảy, ngày 10/08/2013 08:08 GMT+7

 Đỗ thấp thì bị phê bình vì chất lượng đào tạo kém, đỗ cao thì bị hạ thi đua. Chưa vội bàn đến chuyện đúng sai, hay dở, nhưng điều có thể thấy ngành giáo dục đang lúng túng trong mớ bòng bong của chính mình.

Nếu xét về tổng thể thì kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi tốn kém nhất trong một năm. Đây cũng là một trong những kỳ thi thu hút sự chú ý của dư luận, ngốn nhiều giấy mực của báo chí nhất. Trong kỳ thi năm 2013, dư luận lại một lần nữa xôn xao trước tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao của các địa phương. Một số địa phương có tỷ lệ đỗ cao hơn hẳn các năm trước (tới 98,99%).

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Tỷ lệ đỗ quá cao vì đề ra dễ và nảy sinh điều buồn cười là Bộ Giáo dục lại hạ thi đua của các tỉnh đỗ cao”.

Còn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì cho biết: “Tôi không tin kết quả này, tôi nghĩ vấn đề cần làm ngay là phải đổi mới, nói mãi, bàn mãi rồi mà vẫn chưa làm được”.

Đỗ thấp thì bị phê bình vì chất lượng đào tạo kém, đỗ cao thì bị hạ thi đua. Chưa vội bàn đến chuyện đúng sai, hay dở, nhưng điều có thể thấy ngành giáo dục đang lúng túng trong mớ bòng bong của chính mình: Thi thật nhưng chất lượng không dám chắc là thật.

‘ Ảnh minh họa

Ba năm qua, trên những diễn đàn góp ý cho Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nhiều chuyên gia đã lên tiếng đề nghị Bộ Giáo dục không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa để tránh tốn kém cho xã hội mà hiệu quả không cao.

Các chuyên gia cũng cho rằng, đổi mới thi cử mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề, cái cốt lõi là quan điểm, mục tiêu giáo dục và phương thức giáo dục cần phải được thay đổi. Phải hướng vào thực chất, lấy người học làm trung tâm và coi trọng tính ứng dụng của tri thức.

Theo GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Giáo dục - Ủy ban MTTQVN: “Phải làm trong sạch ngành giáo dục, các thầy cô là người liêm khiết và dạy các cháu ngoài học kiến thức, còn phải học đạo đức, đừng dạy các cháu thành những con người háo danh”.

Những em nhỏ phải đi học thêm trước cả khi các em chính thức bước vào lớp 1. Tuổi thơ hồn nhiên đang bị đánh cắp bởi áp lực học hành căng thẳng, khối lượng kiến thức chương trình nặng nề và việc chạy đua thành tích. Và râm ran đây đó trong xã hội, những tiêu cực trong chạy trường, chạy điểm cho con khiến những người tâm huyết với sự nghiệp trồng người không khỏi đau lòng.

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, Bộ đang mời các chuyên gia tham gia xây dựng lại chương trình, sách giáo khoa. Chưa biết hiệu quả đổi mới giáo dục sẽ đến đâu, nhưng điều dư luận mong mỏi nhất đó là: Việc đổi mới phải trả lại cho nhà trường hình ảnh trong sạch nhất, thầy cô giáo phải là tấm gương liêm khiết, tận tụy nhất và học sinh đến trường không phải chỉ để học kiến thức, mà còn để học làm người.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước