Dồn lực tập trung ứng phó siêu bão Haiyan

CBS-Thứ bảy, ngày 09/11/2013 08:14 GMT+7

 Thông tin được quan tâm nhất hiện nay là đường đi của siêu bão Haiyan, cơn bão số 14 và công tác khẩn trương phòng chống của suốt một dải đất nước trước cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp này.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão quốc gia, thì đây là cơn bão có sức tàn phá hết sức khủng khiếp. Nếu không có các phương án phòng chống chắc chắn, cụ thể, thiệt hại sẽ không tưởng tượng nổi. Ở trên biển, công tác phòng chống bão đã được triển khai rất khẩn trương.

Tính đến 20h hôm qua (8/11), Biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 85.270 phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Trong đó, Khu vực Quần đảo Hoàng Sa có 25 tàu. Khu vực quần đảo Trường Sa có 78 tàu. Hiện vẫn còn khoảng 200 tàu cá đang hoạt động trên biển, cần được thông tin và hướng để di chuyển về các đảo và về những khu vực an toàn gần nhất để tránh trú bão.

Trước diễn biến khó lường và dự báo về sự tàn phá hết sức ghê gớm của bão số 14, chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành và địa phương liên quan dừng tất cả các cuộc họp và các công việc chưa cấp bách, để tập trung chỉ đạo phòng, chống bão. Thủ tướng cũng cử Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát, xuống các địa phương chỉ đạo phòng, chống bão. Hai Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ xuất phát trong sáng nay. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an huy động lực lượng hỗ trợ di dời nhân dân khỏi các vùng nguy hiểm, chuẩn bị các phương án cứu hộ, cứu nạn và đảm bảo an ninh, trật tự.

‘ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp trực chỉ đạo biện pháp đối phó với siêu bão Haiyan chiều 8/11. (Ảnh: TTXVN)

Bão Haiyan được nhận định là siêu bão có sức tàn phá lớn và có khả năng đổ bộ vào trung trung bộ trong đó địa phương chịu ảnh hưởng đầu tiên là Lý Sơn - Quảng Ngãi. Để ứng phó kịp thời, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCLB &TKCN huyện Lý Sơn đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp tục chủ động chằng chống nhà cửa, quản lý bảo vệ tài sản, gia súc gia cầm, hoa; hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân neo nọc lại tàu thuyền hợp lý tránh va đập gây thiệt hại, đồng thời đưa các phương tiện có công suất nhỏ lên bờ; dự trữ lương thực, chủ động cơ số thuốc và bố trí y bác sĩ trực 24/24 để kịp thời ứng phó khi tình huống xấu xảy ra...

Đến 15 giờ chiều ngày 8/11 đã có trên 400 phương tiện tàu cá ngư dân Lý Sơn tìm nơi tránh trú an toàn, 15 phương tiện hành nghề ở ngư trường Trường Sa và 3 phương tiện hành nghề ở vùng biển phía Bắc cũng đã tìm nới trú ẩn.

Để đảm bảo liên lạc thông suốt trong và sau bão, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Ban Chỉ huy PCLB &TKCN vừa có công điện khẩn gửi Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau; các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông; các đơn vị thuộc Bộ yêu cầu chủ động đối phó với siêu bão Haiyan.

Về vấn đề đảm bảo an toàn thông tin trên biển cho ngư dân, Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam chủ động phối hợp với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương để phát sóng kịp thời các bản tin dự báo bão số 14; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để phát kèm theo bản tin dự báo bão thông báo về vùng nguy hiểm và hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển tránh xa vùng nguy hiểm và tìm nơi trú ẩn an toàn; duy trì nghiêm chế độ trực canh thông tin cấp cứu - khẩn cấp, đặc biệt đối với các tàu thuyền đánh bắt hải sản bằng phương thức thoại trên tần số cấp cứu - khẩn cấp, tiếp nhận, chuyển tin kịp thời đến các địa chỉ nhận tin theo quy định.

- Các tần số trực canh cấp cứu, khẩn cấp: 7903 KHz.

- Tần số phát thông tin an toàn: 7906 KHz, kênh 16 VHz.

- Tần số phát chương trình thông tin duyên hải: 8294 KHz.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước