Đồng Tháp có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất

Ngọc Dũng-Thứ năm, ngày 14/03/2013 15:39 GMT+7

Ảnh khai thác

Năm 2012, các tỉnh thành thuộc nhóm dưới đã vươn lên phía trên. Đồng Tháp lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng PCI, An Giang và Lào Cai lần lượt xếp thứ hai và ba.

Theo đánh giá của doanh nghiệp, các tỉnh xếp thứ hạng thấp những năm trước như Đồng Tháp, Bình Định, Vĩnh Long, Thái Nguyên… đã có bước tiến lớn trong năm 2012. Nhiều địa phương lâu nay ở vị trí giữa bảng xếp hạng, lại tiếp tục cải thiện ở lĩnh vực dễ thực hiện, như thời gian chờ cấp đăng k‎‎‎‎ý kinh doanh, thời gian thanh, kiểm tra, tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giảm bớt chi phí không chính thức khi giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, môi trường đầu tư.

Ông Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo tất cả các Sở, ngành phải tiếp cận và xử lý nhanh, đặc biệt là các thủ tục hành chính, thủ tục liên quan đến các điều kiện hoạt động của doanh nghiệp. Còn các khó khăn, vướng mắc khi mà doanh nghiệp đề nghị, chúng tôi tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để cho các doanh nghiệp chờ đợi lâu”.

Chỉ số PCI 2012 phản ánh cảm nhận của hơn 8.000 doanh nghiệp dân doanh được khảo sát về chức năng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh thành. Tuy có nhiều nỗ lực, nhưng điểm số bình quân lần này ở mức thấp nhất từ trước đến nay, không tỉnh nào vượt qua mức 65 điểm dành cho nhóm có chất lượng điều hành xuất sắc. Các tỉnh thành trước đây đi tiên phong cải cách như Bình Dương, Đà Nẵng… thì nay lại có dấu hiệu chững lại, do khó khăn khi thực hiện phòng chống tham nhũng ở địa phương và thiết lập những thiết chế pháp lý bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét: “Nếu chính quyền các cấp ghi nhận tiếng nói thể hiện của doanh nghiệp qua điều tra PCI năm nay thì có ‎nghĩa rất lớn trong cải thiện môi trường kinh doanh các cấp. Có thể nói thời gian qua, các địa phương đã rất thành công trong thúc đẩy cải cách những nhóm cải cách ban đầu mà chúng tôi đánh giá là dễ, chẳng hạn như gia nhập thị trường thông thoáng, hay cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, kỳ vọng của doanh nghiệp trong thời gian tới liên quan đến thể chế, tiếp cận về đất đai một cách minh bạch, rồi tính minh bạch của môi trường kinh doanh cao hơn. Chất lượng đào tạo lao động tốt hơn, những vấn đề về thiết chế pháp lý‎ phải minh bạch và ít tham nhũng”.

Chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh, những quyết sách của địa phương về đất đai, lao động và những thủ tục liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp hầu hết bị giảm sút. Màu hồng trong xếp hạng năng lực cạnh tranh tuy ít hơn, nhưng vẫn có khía cạnh tích cực: Các địa phương thấy được những tồn tại của mình để nhanh chóng điều chỉnh phù hợp và vươn lên trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước