Dự án nước sạch nông thôn: 25% công trình tầm trung hoạt động kém hiệu quả

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 03/11/2015 11:38 GMT+7

VTV.vn-Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về nước sạch và vệ sinh an toàn môi trường nông thôn, 25% tổng số công trình nước sạch tầm trung trong cả nước đang hoạt động kém hiệu quả.

Theo thống kê của Ủy ban quốc gia về nước sạch và vệ sinh an toàn môi trường nông thôn, cả nước hiện có khoảng 16.000 công trình nước sạch tầm trung, trong đó 25% số công trình này hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động, tập trung chủ yếu ở 20 tỉnh thành thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, nhiều dự án nước sạch do Nhà nước đầu tư không đạt hiệu quả mong muốn. Còn ở khu vực nông thôn, người dân vẫn chưa được hưởng lợi ích chính đáng từ các công trình này mang lại.

Phân tích nguyên nhân dẫn tới hiện trạng này, bà Hạ Thanh Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ quản lý nguồn nước và nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho biết: “Hiện nay, các công trình cung cấp nước sạch đang chịu sự tác động rất nhiều của biến đổi khí hậu. Hầu hết công trình đều có nguồn nước cạn kiệt, có nơi không còn tồn tại. Nguyên nhân thứ hai là do trình độ dân trí, mô hình cộng đồng quản lý có nhiều bất cập, không đảm bảo tính bền vững. Yếu tố thứ ba là bởi năng lực quản lý vận hành còn nhiều tồn tại bất cập nên ảnh hưởng đến hoạt động bền vững của các công trình sau đầu tư".

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, trong năm 2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 54/2013 quy định việc quản lý, sử dụng các công trình nước sạch nông thôn. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp quản lý công trình có quyền chủ động vận hành, khai thác công trình theo thiết kế, thu tiền nước theo giá quy định. Năm 2014, Thông tư liên tịch 37/2014 giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư đã hướng dẫn các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, các Thông tư này đồng thời cũng hướng dẫn cách thức xử lý đối với những vấn đề còn tồn tại.

“Thông tư 54 là văn bản được đánh giá tương đối hữu hiệu đối với các tỉnh. Đó là Thông tư triển khai đánh giá lại trên toàn bộ các công trình cung cấp nước. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xác định mô hình quản lý" - bà Hạ Thanh Hằng đánh giá - "Chúng tôi đã triển khai một loạt chính sách liên quan tới tính bền vững của công trình, rà soát và cập nhật khung giá nước vì nó sẽ quyết định việc tính đúng, tính đủ để các công trình cấp nước có đủ chi phí cho công tác vận hành”.

“Chúng tôi đang rà soát, cập nhật Chiến lược quốc gia về cấp nước, vệ sinh nông thôn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó điều quan trọng đầu tiên là phải thúc đẩy sự xã hội hóa trong cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn. Đồng thời, Chiến lược này cũng đảm bảo chương trình thực hiện trong thời gian tới sẽ được phát triển hiệu quả và bền vững", bà Hạ Thanh Hằng nói thêm.

Ở một số địa phương, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước nước sạch đã đạt hơn 90%. Thành công này có được là sự chủ động, linh hoạt của các địa phương trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa trong công tác đầu tư, xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, không ít nhà máy nước sạch cung cấp cho người dân nông thôn sử dụng vốn ngân sách Nhà nước lại hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí. Có lẽ, các địa phương đã tới lúc cần chấn chỉnh, khắc phục kịp thời để đảm bảo tính bền vững của công trình sau đầu tư. Như vậy, người dân nông thôn, miền núi mới có thể được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe cộng đồng.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:

 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước