Dư luận về vụ án "lật đổ chính quyền"

Ngọc Quang-Thứ năm, ngày 21/01/2010 17:09 GMT+7

Như tin đã đưa, ngày 20/1, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã đưa xét xử công khai các bị cáo: Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long, bị truy tố về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".

Theo nhận định của Hội đồng xét xử, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm an ninh quốc gia, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, đi ngược với lợi ích của dân tộc.

Tại tòa, một số bị cáo cũng đã thừa nhận đã bị một số tổ chức, cá nhân xúi giục, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật của nhà nước CHXHCN VN. Thông qua ý kiến của các chuyên gia luật và người dân cả nước, chúng ta sẽ cùng nhìn nhận, phân tích và đánh giá về các tình tiết liên quan tới vụ án, cũng như mức án mà Hội đồng xét xử đã tuyên đối với các bị cáo.

Mức án cao nhất, 16 năm tù, quản chế 5 năm tại địa phương sau khi mãn hạn tù được dành cho Trần Huỳnh Duy Thức. Mặc dù tại phiên tòa, bị cáo này không thừa nhận có hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, nhưng đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã dẫn ra nhiều bằng chứng thu thập trong quá trình điều tra, chứng minh vai trò quan trọng của Trần Huỳnh Duy Thức trong vụ án.

Thức là người lập ra nhóm "Nghiên cứu chấn", viết "Tuyên ngôn Lạc Hồng", với mục tiêu "sẽ lãnh đạo dân tộc Lạc Hồng, giành lấy quyền lực chính trị cho toàn dân chúng trong năm 2010"; tích cực tham gia hoạt động của "Đảng Dân chủ Việt Nam", tham gia thành lập "Đảng Xã hội Việt Nam", xây dựng kế hoạch tổng thể thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam qua cuốn sách "Con đường Việt Nam".

Khác với thái độ của Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long, các bị cáo Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung, trong quá trình điều tra và thẩm vấn tại Tòa đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội và tỏ ra ăn năn, hối cải. Lê Công Định thừa nhận, hành vi do mình gây ra đã vi phạm điều 79 Bộ luật Hình sự, vì đã tham gia đảng Dân chủ VN, mà mục đích của đảng này là hoạt động nhằm thay đổi thể chế chính trị ở VN hiện nay.

Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung cho rằng, những sai phạm của họ xuất phát từ cái nhìn phiến diện, tiêu cực về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại Việt Nam. Do có thời gian du học tại nước ngoài, có tiếp xúc, làm việc với những tổ chức, cá nhân chống đối, phản động thù địch với VN nên đã bị ảnh hưởng theo...

Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử cũng đã xem xét và cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ án cho Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung, do đã khai báo thành khẩn và có đơn xin khoan hồng. Mức án 7 năm tù đối với Nguyễn Tiến Trung và 5 năm tù đối với Lê Công Định đã thể hiện rõ tinh thần đó.

Vụ án này, cùng với vụ án xử Trần Anh Kim trước đó ở Thái Bình, đã cho thấy rõ hoạt động phạm tội của các bị cáo được tổ chức chặt chẽ, phân công nhiệm vụ cụ thể; móc nối, câu kết với các tổ chức phản động người Việt Nam lưu vong và các thế lực thù địch ở nước ngoài để tập hợp lực lượng thành tổ chức chính trị phản động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bằng hình thức bất bạo động, thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.

Dưới sự cảnh giác, mưu trí và tinh thần kiên quyết của các lực lượng chức năng, mà nòng cốt là cơ quan an ninh của Việt Nam, vụ việc đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, góp phần vào công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước